Kinh tế Mỹ đón nhận những tín hiệu không mấy khả quan
Thâm hụt thương mại Mỹ vẫn duy trì ở mức cao trong tháng 6 vừa qua do nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ Mỹ giảm sụt.
Theo số liệu do Bộ Thương mại công bố ngày 2/8, thâm hụt thương mại chỉ giảm 0,3% xuống còn 55,2 tỷ USD, khi kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn so với nhập khẩu trong bối cảnh thương mại toàn cầu đều suy yếu trên diện rộng.
Cụ thể, trong tháng 6, kim ngạch nhập khẩu giảm 2,2% xuống còn 212,3 tỷ USD, trong khi xuất khẩu giảm 2,8% còn 137,1 tỷ USD.
Tính trong nửa đầu năm nay, thâm hụt thương mại Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, và điều này có thể "đè nặng" lên tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II vừa qua.
Bức tranh thương mại Mỹ trở "xám xịt" trong tháng 6 chủ yếu do việc xuất khẩu xe khách, đá quý và các linh kiện máy tính đều giảm.
Trong khi đó, doanh số bán thiết bị viễn thông, máy móc công nghiệp và trang sức cũng trong tình cảnh tương tự.
Trong tháng 6 vừa qua, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc nhìn chung vẫn không thay đổi nhiều, ở mức 30,2 tỷ USD.
Tính trong nửa đầu năm nay, thâm hụt thương mại của Mỹ với nền kinh tế thứ hai thế giới đã giảm 10,3%.
Trong khi đó, thâm hụt của Mỹ với Mexico tiếp tục tăng, lên mức 9,2 tỷ USD, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 1/2009.
Mức thâm hụt này đã tăng hơn 35% trong năm nay. Trao đổi thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) cũng suy yếu khi nhập khẩu giảm, khiến thâm hụt thương mại giảm 5,9% xuống còn 15,9 tỷ USD.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố số liệu cho thấy trong tháng 7 vừa qua, nền kinh tế tiếp tục tạo thêm được 164.000 việc làm.
Mặc dù con số này tương đối khả quan, song lượng việc làm mới tạo ra trong thời gian này bị đánh giá là không quá nhiều, phần nào cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 3,7%.
Hoạt động tuyển dụng trong các lĩnh vực giao thông vận tải, kho bãi và xây dựng đều ghi nhận sự chững lại.
Bộ Lao động cũng điều chỉnh số việc làm mới mà nền kinh tế Mỹ tạo thêm trong tháng 6 là 193.000 việc làm, thấp hơn mức 224.000 việc làm được ghi nhận trước đó.
Như vậy, số việc làm trung bình được tạo thêm trong 3 tháng qua là 140.000 việc làm, thấp hơn mức kỷ lục 237.000 việc làm được ghi nhận hồi tháng 7 năm ngoái.
Những số liệu trên được công bố trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt dù các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục.
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 1/9 tới, trong khi Bắc Kinh cũng tuyên bố đáp trả nếu Washington thực hiện điều đó.
Các chuyên gia kinh tế nhận định những diễn biến này đang càng khiến tăng trưởng toàn cầu và thương mại quốc tế suy yếu.
Bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế Mỹ cùng với căng thẳng leo thang trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán Phố Wall mở cửa phiên giao dịch ngày 2/8 trong "sắc đỏ" khi các chỉ số chủ lục đồng loạt giảm điểm.
Năm phút sau khi phiên giao dịch bắt đầu, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống còn 26.509,15 điểm.
Chỉ số S&P 500 "trượt" 0,4% xuống còn 2.942,42 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite Index giảm 0,8% xuống còn 8.805,45 điểm. Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán Paris (Pháp) lao dốc tới 3%./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận