Kinh tế Đức 'thoáng thấy ánh sáng phía chân trời'
Đà suy thoái quý I của kinh tế Đức chậm lại khi các chỉ số niềm tin kinh doanh tăng vượt dự báo, được ví như 'mùa xuân bừng tỉnh'.
Viện Ifo - viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức có trụ sở tại Munchen - vừa công bố Chỉ số môi trường kinh doanh tháng 3 của nước này tăng từ mức 85,7 hồi tháng 2 lên 87,8. Kết quả này vượt dự báo ở mức 86 theo khảo sát chuyên gia kinh tế của Wall Street Journal.
"Nền kinh tế Đức thoáng thấy ánh sáng ở phía chân trời", Clemens Fuest, Chủ tịch Viện Ifo đánh giá. Joerg Kraemer, Kinh tế trưởng tại Commerzbank nhìn nhận chỉ số môi trường kinh doanh của Ifo tăng mạnh đã "mang lại cho chúng ta hy vọng". Theo ông, tác động của lãi suất tăng và giá năng lượng đang bắt đầu giảm.
Trước đó, Viện nghiên cứu kinh tế ZEW cũng cho biết tinh thần của nhà đầu tư Đức đã cải thiện hơn dự kiến trong tháng 3, nhờ kỳ vọng về việc ECB cắt giảm lãi suất và những dấu hiệu tích cực từ Trung Quốc.
Chỉ số tâm lý kinh tế do ZEW khảo sát đã tăng lên 31,7 điểm, từ mức 19,9 trong tháng 2. Kết quả tháng 3 cũng vượt dự báo các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters ở mức 20,5.
Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết hơn 80% người được khảo sát dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất trong sáu tháng tới. Điều này mang đến triển vọng lạc quan hơn cho ngành xây dựng. "Ngành xuất khẩu của Đức được hưởng lợi từ kỳ vọng kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc, cũng như euro dự kiến mạnh lên so với USD", ông nói thêm.
Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều vượt dự báo trong 2 tháng đầu năm. Cùng với đó, xuất khẩu và lạm phát tiêu dùng gần đây cũng tốt hơn mong đợi.
Theo Thomas Gitze, Kinh tế trưởng VP Bank (trụ sở ở Liechtenstein, một quốc gia nhỏ giáp Đức), đây là các thông tin tích cực với nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mang đến hy vọng cải thiện trong những tháng hè. "Kinh tế Đức đang tăng tốc, thậm chí có thể gọi đó là mùa xuân bừng tỉnh" ông nói.
Đức được dự đoán sẽ tiếp tục suy thoái trong quý đầu tiên của năm nay, sau khi nền kinh tế này đã giảm 0,3% trong quý IV/2023. Đà suy thoái giảm nhẹ trong tháng 3 nhờ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ổn định, theo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global.
"Tín hiệu cải thiện trong tháng 3 là bước đầu tiên cho một sự tăng trưởng bền vững hơn trong cả hai cuộc khảo sát (PMI và khảo sát Ifo)", Claus Vistesen, Kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại Pantheon Macro Economics, đánh giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo không nên nhầm lẫn việc kết thúc suy thoái kinh tế với một sự phục hồi thực sự. "Trước khi nhìn nhận về sự phục hồi, đừng quên rằng số liệu ngày nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức đạt được hồi hè năm ngoái", Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu của ING cảnh báo.
Năm 2023, GDP Đức giảm 0,3%, khiến quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất. Chính phủ Đức cho rằng kinh tế năm nay chỉ tăng trưởng 0,2% do không thể kỳ vọng nhiều khi nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và lạm phát cao kéo dài.
"Ngay cả khi các chỉ số tâm lý kinh doanh đã có chút cải thiện, dường như bất kỳ sự phục hồi nào của nền kinh tế Đức năm nay cũng sẽ yếu", Brzeski nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận