Kinh tế còn nhiều rủi ro, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ ra sao nửa cuối năm?
Đảm bảo thanh khoản hệ thống, giảm thêm lãi suất, ổn định tỷ giá, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên… là trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm nay.
Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)
Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đánh giá, những tháng còn lại của năm 2023 được dự báo tiếp tục là năm nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới và trong nước.
Nnăm nay, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại, nhiều bất trắc, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều ngân hàng trung ương vẫn duy trì chính sách lãi suất cao.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đứng trước rủi ro ngày càng tăng khi cầu thế giới suy giảm, tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; áp lực lạm phát vẫn còn (lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao bình quân 4 tháng vẫn ở mức 4,9%; độ mở kinh tế ở mức cao, dễ chịu tác động từ những biến động bất thường từ kinh tế thế giới, rủi ro lạm phát nhập khẩu tăng khi giá hàng hóa nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng cao; việc thực hiện tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý (điện, học phí giáo dục, dịch vụ y tế…) theo lộ trình và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở cũng tạo áp lực đối với lạm phát trong nước; yếu tố tâm lý, kỳ vọng dù được neo giữ tốt trong thời gian qua nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro biến động mạnh trước những sự kiện tiêu cực trên thị trường thế giới và trong nước…); các hoạt động đầu tư, tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn...
Đứng trước bối cảnh đó, bà Bình cho biết, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian tới là tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế, tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) để TCTD chủ động, sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế. Điều hành công cụ dự trữ đặc biệt phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay tiến tới tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm tới này, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm 0,3-1% trong tháng 3 và 4-2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào khoảng hơn 6 tỷ USD để tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. VNĐ đã tăng giá khoảng 0,7-0,8% kể từ đầu năm và dự báo sẽ ổn định trong cả năm nay.
Thứ tư, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15%; chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
Trên cơ sở nắm bắt các tồn tại, vướng mắc, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ kịp thời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận