24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo Toàn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế châu Âu xoay sở thế nào giữa thời đại dịch Covid-19?

Chính phủ các nước châu Âu đang lựa chọn những chiến lược ứng phó rất khác nhau khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát.

Theo CNN, trong khi hầu hết các nước châu Âu đang áp đặt những biện pháp hạn chế cấp địa phương và giữ cho nền kinh tế tiếp tục mở cửa, thì cố vấn khoa học của Anh và Ireland lại thúc đẩy việc phong tỏa cấp quốc gia lần thứ hai, bất chấp lo ngại về một cú sốc kinh tế.

Kiểm soát tốt dịch Covid-19

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson là một trong những người cố gắng tránh để xảy ra một cuộc phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Bộ trưởng Nhà đất Anh Robert Jenrick hôm 13/10 cho rằng, chính phủ của ông Johnson cần phải "cân bằng giữa việc bảo vệ cuộc sống của người dân", với việc tạo điều kiện cho mọi người được đi học, đi làm.

Hậu quả từ việc phong tỏa toàn quốc vào đầu năm nay đã khiến kinh tế Anh suy giảm tới 20% trong quý 2, đẩy nước này vào cuộc suy thoái tồi tệ. Bản thân Thủ tướng Johnson hiện đang phải chịu nhiều áp lực từ một số thành viên trong nội các của ông để giữ cho nền kinh tế mở cửa, ngay cả khi các số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng trong mùa đông năm nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng những lệnh hạn chế từng phần như trên sẽ gây rất ít tác động đến Covid-19, và sẽ chỉ làm tổn thương nền kinh tế nhiều hơn theo thời gian.

Theo Andrew Goodwin, Trưởng bộ phận kinh tế Anh tại công ty tư vấn Oxford Economics, ưu tiên hàng đầu vào lúc này là phải kiểm soát được virus corona. Đó là cách nhanh nhất, mạnh mẽ nhất có thể làm để mang lại triển vọng tốt nhất cho nền kinh tế.

Ông Goodwin cũng cho rằng, điều tồi tệ nhất là việc “thả nổi” dịch Covid-19 trong một thời gian dài. Điều này càng kéo dài thì càng gây nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế và tài chính của nước Anh. Một đợt nới lỏng phong tỏa trong ngắn hạn, theo cảnh báo từ các nhà khoa học tư vấn cho Chính phủ Anh, có thể khiến GDP nước này giảm tới 2,5% trong quý 4 năm 2020.

Trung Quốc vốn đã cho thấy tính hiệu quả trong việc kết hợp các biện pháp phong tỏa với các chính sách theo dõi dân cư một cách triệt để nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dù gặp nhiều khó khăn vào đầu năm 2020, nhưng đã trở thành cường quốc duy nhất trên thế giới tránh được viễn cảnh suy thoái trong năm nay.

Theo CNN, các quốc gia khác khó có thể làm theo những biện pháp như của Trung Quốc.

Cách tiếp cận của ông Boris Johnson không phải trường hợp duy nhất. Vào tuần trước, Ireland cũng đã từ chối lời kêu gọi tái áp đặt các lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ các chuyên gia y tế, bất chấp số ca nhiễm Covid-19 đang có dấu hiệu tăng mạnh ở nước này. Thủ tướng Ireland Micheal Martin thay vào đó chỉ siết chặt các lệnh hạn chế từng phần của đất nước trong 3 tuần.

"Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng chúng ta đang ở trong một tình thế rất khác so với tháng 3 vừa qua. Các doanh nghiệp đang bắt đầu phục hồi và các dịch vụ y tế công cộng quan trọng vẫn còn khả năng hoạt động. Các lệnh hạn chế nghiêm ngặt trong thời điểm này sẽ gây tác động rất nặng nề mà các dịch vụ và doanh nghiệp đó khó khôi phục được", ông Martin nói.

Khó tránh phong tỏa lần hai

Ở Pháp, rất nhiều người làm việc trong ngành khách sạn lo ngại về khả năng xảy ra một đợt phong tỏa thứ hai.

Những áp lực trên buộc giới chức tại các thành phố như Marseille và Paris cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại, dù cả 2 thành phố này vẫn bị đặt ở mức "cảnh báo tối đa", nghĩa là số ca nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao.

Kinh tế châu Âu xoay sở thế nào giữa thời đại dịch Covid-19?
Chủ một quán bar ở Pháp. Ảnh: AP

Nhưng theo bà Catherine Hill, một nhà dịch tễ học nổi tiếng người Pháp, cần ngừng suy nghĩ về một sự đối lập giữa kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Giải quyết được cuộc khủng hoảng Covid-19 thì sẽ đồng thời giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế. “Ở Trung Quốc, họ đã kiểm soát được dịch bệnh và nền kinh tế đã khôi phục. Cho nên mục đích hiện tại rất đơn giản: Sớm loại bỏ virus để cuộc sống trở lại đúng hướng”, bà Catherine Hill cho biết.

Trong tuần này, Thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố có nhiều hạn chế hơn sẽ được ban hành. "Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp dựa trên tình hình dịch bệnh. Không có lựa chọn nào bị loại trừ dựa trên việc khi xem xét tình hình trong các bệnh viện", ông cho biết với kênh tin tức France Info hôm 12/10.

Jonathan Portes, giáo sư kinh tế tại trường Đại học King's College London, cho rằng "một chiến lược ngăn chặn Covid-19 thành công mới là điều tốt nhất cho nền kinh tế", ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc chính phủ cần vay thêm tiền để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Còn theo ông Robert West, giáo sư khoa Sức khỏe tâm lý tại Đại học London, một lệnh phong tỏa trong tương lai ở Anh vẫn có khả năng xảy ra, bất chấp những lo ngại về một cú sốc mà nó gây ra đối với nền kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, ông cho rằng điểm mấu chốt nằm ở việc Chính phủ Anh có tận dụng thời gian phong tỏa để cải thiện các hệ thống có thể giúp kiểm soát virus sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ hay không. “Sẽ là một sự lãng phí thời gian nếu chúng ta tiến hành phong tỏa mà không phát triển hệ thống xét nghiệm và theo dõi dịch bệnh sau đó,” ông Robert West nói với CNN.

Người phát ngôn Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh cho biết, kể từ khi ra mắt đến nay, Hệ thống xét nghiệm và theo dõi của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) đã truy vết được khoảng 700.000 đối tượng bị cho là nguồn lây lan virus corona và yêu cầu họ phải được cách ly.

CNN nhận định, dù có thực hiện các biện pháp phong tỏa hay không, thì số phận của nền kinh tế châu Âu vẫn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19 của chính phủ các nước thuộc châu lục này khi mùa đông đến gần.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả