menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Mai Xuyên

Kinh tế 5 tháng đầu năm đã có nhiều tích cực

Tín hiệu vui khi nền kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm đã bắt đầu có những khởi sắc

Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Việt Nam đã có nỗ lực lớn và có nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm có biểu hiện vừa tích cực vừa có những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo đại biểu, phải nhìn nhận một cách khách quan, nếu so sánh với thời điểm bắt đầu vào đại dịch là năm 2019 và năm 2020-2021 và thời điểm hiện nay là thời điểm “mã hồi” của đại dịch COVID-19 mới thấy được mặt tích cực của nền kinh tế.

“Nếu chúng ta nhìn vào năm 2022 mặt bằng của năm 2022 thì tiêu cực, nhìn vào kinh tế 6 tháng đầu năm cần có quan điểm khách quan, ngay trong lúc bức tranh kinh tế ảm đạm thì đánh giá của các tổ chức nước ngoài cho thấy tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Việt Nam vẫn thuộc top đầu thế giới. Chúng ta phải xem xét đánh giá khách quan”, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá.

Theo đại biểu, về cơ bản những chỉ số cho thấy Việt Nam đã thích ứng và vượt qua khó khăn, vì năm 2020-2021 là những năm cực kỳ khó khăn, thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội, Chính phủ đã có hành động dũng cảm, ban hành Nghị quyết 128 thích ứng an toàn với đại dịch, từ đó các quan hệ kinh tế mới phục hồi, nền tảng sản xuất mới khôi phục được.

Dự báo tình hình năm 2023, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, không phải bất ngờ khi kết quả ảm đạm bởi đây là cú "hồi mã thương" trở lại với những khó khăn vốn tạo ra một sự kiệt quệ, xuống đáy của nền tảng kinh tế - xã hội, nhất là sức lực người dân và doanh nghiệp đã chịu đựng liên tiếp như vậy. Có thể nói Quốc hội, Chính phủ liên tiếp có ứng phó kịp thời, cho ra đời các gói cứu trợ,cho nên sự cầm cự đến bây giờ là rất tích cực, nhìn rộng ra thế giới nhiều nước tăng trưởng âm để thấy chúng ta đã nỗ lực như thế nào.

“So với mặt bằng những năm phát triển cao thì rõ ràng tăng trưởng GDP 5 tháng đầu năm có 3,32% là thấp nhưng nhìn trong nền tảng và bối cảnh như vậy là tích cực. Tôi phải nhấn mạnh, nhìn nhận bức tranh kinh tế phải khách quan và bình tĩnh đánh giá tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân như bắt bệnh, bắt bệnh được rồi thì phải có phương thuốc điều trị thì sức khỏe nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng và bứt phá những quý tiếp theo”, đại biểu đoàn Cà Mau đánh giá.

Để thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm 2023, theo đại biểu Lê Thanh Vân, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, đơn đặt hàng giảm tác động đến sản xuất trong nước. Để thúc đẩy sản xuất trong nước, theo đại biểu cần nhìn vào 3 động lực là xuất khẩu, đầu tư công và đầu tư nước ngoài.

“Ba khu vực này đều chịu tác động từ bên ngoài, xuất khẩu là đơn đặt hàng suy giảm, tác động đến sản xuất trong nước và mặt hàng xuất khẩu tác động đến thu ngân sách. Giải ngân đầu tư công chậm, nhiều ngành tỷ lệ giải ngân thấp trong khi đây là yếu tố kích hoạt cho tăng trưởng nhiều lĩnh vực khác. Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài là lực lượng chiếm tỷ trọng thúc đầy tăng trưởng kinh tế. Cả ba lĩnh vực này vẫn gặp khó khăn. Cùng với đó là vấn đề nội tại, chất lượng thể chế chính sách và đội ngũ cán bộ”, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá.

Theo đại biểu, để thúc đẩy xuất khẩu, một mặt phải tiếp cận thị trường vốn để làm sao các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để chống đỡ khó khăn đồng thời bám sát nhu cầu thị trường thế giới và khu vực để duy trì đẩy mạnh tăng trưởng trong xuất khẩu.

Đối với giải ngân đầu tư công, nguyên nhân suy giảm giải ngân đầu tư công là chất lượng thể chế pháp luật, trong đó có thủ tục hành chính phải khắc phục bằng cách là rà soát lại thủ tục, cắt giảm những khâu trung gian, giấy phép con mới nảy sinh để làm sao công tác giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn, phân vai của các cái cơ quan chức năng mạch lạc hơn.

“Làm được điều này thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn và tôi tin rằng nếu như có giải pháp kịp thời thì những tháng cuối năm, tiến độ giải ngân đầu tư công đẩy mạnh hơn thì mục tiêu của chúng ta đạt đến 90 đến 95 % thì cái tốc độ tăng trưởng nó sẽ bứt phá”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo đại biểu, về thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta đang đối mặt với luật chơi mới của các nước là Luật thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam phải khẩn trương sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến thu hút đầu tư và cần thiết. Ở Hàn Quốc người ta đã nhìn nhận vấn đề này sớm và đã thông qua luật liên quan có hiệu lực từ 1/1/2024 và tôi mong rằng Quốc hội chúng ta cũng sẽ sớm cái luật liên quan và áp dụng ngay từ 1/1/2024 để một mặt chúng ta duy trì được quyền được đánh thuế đối với các nhà đầu tư nước ngoài và sử dụng tiền đó để điều tiết các quan hệ đối tác để sao cho hỗ trợ và thu hút được các nhà đầu tư, giữ chân được họ và thu hút tiếp các nhà đầu tư khác.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, Chính phủ phải có một chương trình ngắn hạn để đối phó với với tình hình khó khăn hiện nay và trong đó trọng tâm có hai công cụ là tài khóa và tiền tệ.

Đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình đánh giá, các số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố mới đây, lại cho thấy thực trạng kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 là rất khó khăn. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm.

Xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đã giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%. Giải ngân vốn FDI giảm 0,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, mặc dù có tăng 8,3% so với cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố giá), nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,3% của 3 tháng đầu năm, tức là tốc độ tăng trưởng cũng đang giảm đi.

“Niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp. Tính chung, 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt con số 95 nghìn, giảm 3,7% so với cùng kỳ, còn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88 nghìn, tăng đến 22,6%. Các doanh nghiệp đang hoạt động, thì phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp thực tế đã chết lâm sàng. Khu vực kinh tế tư nhân – một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, trong những năm qua, đang suy yếu”, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo đại biểu, nguyên nhân chính của tình trạng ảm đạm nói trên, một phần là do nhu cầu tiêu dùng tại các nước phát triển, thị trường xuất khẩu chủ yếu của chúng ta, tăng trưởng chậm lại, phần khác là do thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta bị đóng băng, gây tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ nần gia tăng, sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút.

“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công và làm sống lại nhiều dự án trọng điểm đã bị đắp chiếu, nằm im trong hàng thập kỷ. Chúng tôi đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã dũng cảm đi ngược chiều với thế giới để thực hiện 3 đợt giảm lãi suất liên tục, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp”, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.

Tuy nhiên, theo đại biểu, liều lượng của các chính sách kể trên, còn chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ còn chậm trễ. Do đó, đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn, bởi lạm phát tại Việt Nam đang giảm nhanh khi CPI trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4% so với thời điểm cuối năm ngoái, cán cân thương mại đang thặng dư lớn, còn nợ công mới ở mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do Quốc hội quy định.

“Dư địa của các chính sách tài khoá – tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khoá của chúng ta còn lớn. Vì vậy đây là thời điểm thích hợp để chúng ta thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào. Các đề xuất theo kiểu tăng giá điện, tăng thuế mặt hàng nước uống có đường, áp chi phí tái chế bao bì cho các ngành sàn xuất... nên dừng lại. Việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới, theo tôi, chúng ta nên mở rộng ra tất cả các ngành hàng và kéo dài ít nhất 1 năm, không nên chỉ bó gọn trong vài ngành hàng và chỉ ngập ngừng trong thời gian 6 tháng”, đại biểu kiến nghị.

Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật thép, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp. Hiện nay 70% các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, được phản ánh là đang gặp khó khăn về pháp lý. Đó là sự cảnh báo về tình trạng trì trệ nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp bị tắc nghẽn, khu vực doanh nghiệp nội địa đang suy kiệt, thì việc đổi mới chính sách, chủ động thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp có chất lượng cao từ nước ngoài vào Việt Nam, có khả năng liên kết liên doanh với doanh nghiệp Việt, trong bối cảnh mới, cũng không kém phần quan trọng.

“Chúng ta trân trọng những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như một vị đốc công, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đột phá vào tảng băng “né tránh trách nhiệm, lo sợ oan sai” của chính quyền các cấp. Trong 5 tháng đầu năm mà cần đến gần cả ngàn các quyết định cá biệt, chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng và các chuyến đi thị sát dồn dập của Thủ tướng và các tổ công tác để đôn đốc triển khai công việc, đó là một cố gắng lớn. Tôi và các cử tri đánh giá rất cao nỗ lực này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Đại biểu đoàn Thái Bình bày tỏ mong muốn từ năm 2024, Chính phủ nên khôi phục lại việc ban hành hàng năm Nghị quyết quan trọng này để có thể đóng vai trò là kim chỉ nam, chương trình tổng thể và thước đo cho hành động quốc gia nâng cao chất lượng thể chế với tiêu chí và mục tiêu cụ thể, cân đong đo đếm được, để tạo áp lực và động lực cho chương trình cải cách của Bộ ngành địa phương trong bối cảnh mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại