Kinh tế 2019: Nỗ lực để đạt kết quả tốt hơn
Theo các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm nay, nhưng không thể chủ quan. Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khách quan về triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới và quan tâm hơn tới nh
Sẽ đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu Quốc hội giao
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tốt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và kịp thời ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.
Cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân…
Chính phủ cũng ước tính năm nay tốc độ tăng GDP khoảng 6,8% với quy mô GDP tăng lên khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 2,7-3%; tổng thu ngân sách nhà nước ước vượt 3,3% dự toán và bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 3,4% GDP, nợ công giảm còn 57% GDP; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,8% GDP...
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận, trong bối cảnh năm 2019 gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức mà tăng trưởng kinh tế đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện… cho thấy một bức tranh kinh tế tổng thể đẹp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng “đó là kết quả của những nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, doanh nghiệp và sự điều hành của Chính phủ”. Với những nỗ lực này được tiếp tục và trên nền tăng trưởng các quý sau đều tăng trưởng cao hơn quý trước, đại biểu Nguyễn Khắc Định lạc quan tin rằng tăng trưởng cả năm có thể vượt mục tiêu, thậm chí có thể vượt 7%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cũng đánh giá cao hoạt động điều hành một cách bài bản, khoa học, sâu sát, năng động và kịp thời của Chính phủ. Trong đó, một trong những điểm được bà Lê Thị Nga nhấn mạnh là thị trường tài chính - tiền tệ ổn định.
“Chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, theo quy luật thị trường, có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta thấy điểm nổi bật nhất của chính sách tiền tệ là thận trọng, kiểm soát được lạm phát, thị trường ngoại tệ ổn định trong bối cảnh có những áp lực rất lớn của thị trường quốc tế”, vị đại biểu này nhận định.
Đánh giá kỹ tình hình, tránh chủ quan
Trên cơ sở dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Cho ý kiến về định hướng cho năm tới mà Chính phủ đã báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý cần rà soát, đánh giá kỹ thêm về các kết quả đạt được, làm rõ nguyên nhân của những vấn đề còn tồn tại và rà soát, đánh giá kỹ về các vấn đề như nợ công, bội chi ngân sách… để trên cơ sở đó phấn đấu trong năm 2020. Trong đó, cần đánh giá kỹ, dự báo sát đúng nhất về diễn tiến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dự báo thiên tai để chủ động có giải pháp đề phòng và giảm thiểu thiệt hại…
“Càng đánh giá kỹ, chính xác bao nhiêu thì chúng ta càng chủ động đối phó và có nhiều liệu pháp tốt bấy nhiêu. Nếu đánh giá không kỹ, đánh giá toàn màu hồng sẽ dẫn đến say sưa với thắng lợi, chủ quan dẫn đến có những tổn thất phải gánh chịu”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm cần tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đồng thời là hỗ trợ khắc phục các thiệt hại về nông nghiệp, khắc phục và đối phó với các vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… Năm 2020 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm và chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới, do đó cần làm rõ các mục tiêu đặt ra cho năm 2020 như vậy đã đạt (hay chưa đạt, hay vượt) xét trong tổng thể kế hoạch 5 năm để thấy rõ các công việc tới đây cần phải làm.
Đại biểu Nguyễn Khắc Định cũng cảnh báo, năm 2020 xuất khẩu sẽ rất khó khăn, do đó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng chung. Trong bối cảnh đó, năm tới cần tập trung vào đầu tư và tiêu dùng nội địa để bù đắp lại. Đồng thời phải đẩy mạnh đầu tư công, cũng như có các giải pháp để thúc đẩy ngành chế biến, chế tạo (ngoài điện tử).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận