Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh trên thế giới
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) là xu hướng được các thành phố trên thế giới quan tâm và hướng tới.
ĐTTM cân bằng môi trường, kinh tế, xã hội
Các chuyên gia công nghệ của IBM định nghĩa ĐTTM là nơi công nghệ được sử dụng để tạo ra các hệ thống có dụng cụ, kết nối và thông minh, bao gồm: nguồn năng lượng thông minh; dữ liệu thông minh; giao thông thông minh; cơ sở hạ tầng thông minh; thiết bị được kết nối và kết nối di động.
Tại các quốc gia đang phát triển, nơi tỷ lệ đô thị hóa còn đang ở mức thấp, các thành phố phải đối mặt với nhiều vấn đề như ùn tắc giao thông, ngập úng, thu gom và xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm không khí, nhà ổ chuột, thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp… Để giải quyết các vấn đề này, các chiến lược phát triển ĐTTM ở cấp quốc gia hoặc thành phố xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ĐTTM nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường đặt ra.
Tại Malaysia, việc phát triển ĐTTM nằm trong Chính sách quốc gia về đô thị hóa của Malaysia, với mục tiêu thúc đẩy và điều phối quy hoạch phát triển đô thị bền vững, sự phát triển cân bằng về thể chất, môi trường, xã hội và kinh tế ở Malaysia. Để hiện thực hóa, Malaysia đưa ra 4 nguyên tắc đó là quản trị đô thị tốt, thành phố đáng sống, kinh tế đô thị cạnh tranh và phát triển đô thị bao trùm và công bằng…
Tương tự, trong xây dựng ĐTTM, Thái Lan sử dụng cách tiếp cận theo 2 chiều: Từ trên xuống thông qua việc xây dựng Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng ĐTTM và từ dưới lên thông qua Liên minh các ĐTTM và các công ty phát triển đô thị.
Mỗi thành phố của Thái Lan đưa ra mục tiêu khác nhau khi xây dựng ĐTTM. Thành phố Bangkok đưa ra 4 mục tiêu cụ thể gồm: An toàn, chỉ dẫn thông minh, xanh và chất lượng sống. Thành phố Khon Kaen lại đưa ra 2 mục tiêu chính là cơ hội cho đổi mới sáng tạo và chất lượng cuộc sống. Còn Thành phố Laem Chabang lại đặt ra 3 mục tiêu là cửa ngõ của hành lang kinh tế phía Đông, môi trường trong sạch, cân bằng công việc và cuộc sống.
Tại Ấn Độ, nhiệm vụ xây dựng ĐTTM là một sáng kiến do Chính phủ sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở nước này. Mục tiêu của sáng kiến là thúc đẩy các thành phố cung cấp cơ sở hạ tầng cốt lõi và mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho người dân, môi trường sạch sẽ, bền vững và áp dụng giải pháp thông minh.
Chú trọng giao thông thông minh
Theo bảng xếp hạng năm 2018 của Viện Chiến lược Eden và ONG&ONG, 3 ĐTTM nhất trên thế giới là London (Anh), Singapore và Seoul (Hàn Quốc).
London là thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng ĐTTM trên thế giới. Thành phố này đã phát triển một ứng dụng dựa trên các dữ liệu mở, người dùng có thể cho ứng dụng biết mình đang ở đâu và ứng dụng sẽ chỉ ra lộ trình cần thiết. Là một trong những trung tâm công nghệ của thế giới, London có hệ thống băng thông rộng, rất phát triển. London đã tiến hành thực hiện lộ trình Smarter London Together, một kế hoạch biến Thủ đô của Anh thành thành phố thông minh nhất thế giới và công bố một bộ tiêu chuẩn, nguyên tắc thiết kế chung cho các dịch vụ kỹ thuật số trên toàn Thủ đô. Về giao thông, London chú trọng áp dụng công nghệ giải quyết các vấn đề. Theo đó, đèn giao thông có khả năng dành quyền ưu tiên cho xe buýt để giúp quá trình lưu thông trơn tru hơn. Phí tắc đường được áp dụng tại từ năm 2003…
Tại Singapore, một quốc gia nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng Singapore đã khai thác thành công công nghệ, bao gồm cảm biến và đồng hồ tự động trong ĐTTM. Về giao thông, Singapore đã triển khai hệ thống giao thông một cổng thông tin toàn diện, gọi là One Monitoring. Trong hệ thống này, người dân có thể truy cập thông tin giao thông thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và xe taxi bằng GPS.
Singapore đầu tư cải tạo lưới điện để tiết kiệm năng lượng hơn và triển khai các cảm biến có thể thu thập dữ liệu thời gian thực về gió, ánh sáng mặt trời và bóng râm trong khu dân cư. Singapore đã thực hiện chương trình quản lý chất thải với việc lắp đặt các thùng rác thông minh trên đường phố, tự động sạc bằng năng lượng mặt trời cùng hệ thống lưu trữ điện phòng khi không có ánh nắng…
Nhân tố góp phần quan trọng cho thành công của Singapore trong xây dựng và phát triển ĐTTM chính là các dự án, chiến lược mang tầm quốc gia với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. 2 dự án được Chính phủ xác định là động lực quan trọng để phát triển ĐTTM gồm dự án Smart Nation (Quốc gia thông minh) và Virtual Singapore (Singapore số). Smart Nation gồm 5 dự án chiến lược: Hệ thống nhận diện điện tử cấp quốc gia; Hệ thống cảm biến thông minh trên cả nước; Nền tảng giao thông ĐTTM; Cổng thanh toán điện tử và Moments of Life (ứng dụng di động giúp Chính phủ chuyển các dịch vụ phù hợp đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời).
Còn tại TP Seoul, chính quyền trao quyền cho công dân và tạo ra môi trường có sự tham gia của công dân ở tất cả các cấp hành chính có thể. Các công dân được mời tranh luận về các vấn đề chính sách hiện tại và tham gia giải quyết các vấn đề mà cộng đồng của họ gặp phải. Thành phố cũng khuyến khích sự tham gia của công dân bằng cách tổ chức các cuộc thi đổi mới để tìm giải pháp thông minh mới cho các vấn đề của Seoul...
Có thể thấy, phát triển ĐTTM, thành phố thông minh đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội. Chất lượng cuộc sống của người dân trong ĐTTM sẽ được nâng cao khi đô thị loại bỏ được khí thải nhà kính; có các giải pháp phòng chống tội phạm, dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp; có các giải pháp giao thông và vận chuyển thông minh giúp tiết kiệm thời gian; có giải pháp y tế thông minh giúp nâng cao tuổi thọ; tạo ra nhiều việc làm; có các giải pháp lựa chọn nhà ở và tiết kiệm năng lượng giúp tiết kiệm chi phí và có điều kiện thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận