24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Ngọc Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp lại kêu về quy định mới

Đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Tài chính phản ánh nguy cơ lãng phí hàng trăm tỷ đồng liên quan những quy định bổ sung về lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị cần thêm quyền định giá dựa trên chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, ông vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý một số vấn đề liên quan những quy định mới về kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính yêu cầu áp dụng tại tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Quy định được Bộ Công Thương nêu trong tờ trình gửi Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo ông Giang Chấn Tây, mỗi một hóa đơn phát hành, doanh nghiệp bán lẻ phải mua với giá từ 433 đồng - 520 đồng/hóa đơn. Mỗi lần bơm xăng dầu bán cho khách sẽ xuất một hóa đơn điện tử, tốn đến khoảng 400-500 đồng, trong khi hoa hồng áp dụng hiện nay chỉ ở mức 300-400 đồng/lít xăng dầu khiến doanh nghiệp bán lẻ không có lợi nhuận trong khi hầu hết người đổ xăng lẻ này đều không lấy hoá đơn.

Kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp lại kêu về quy định mới

Doanh nghiệp kiến nghị xem xét lại nhiều quy định trong dự thảo về kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Như Ý

Theo ông Tây, việc cơ quan quản lý điều hành xăng dầu yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn mỗi lần bơm xăng bán cho khách gây ra hao tổn cho doanh nghiệp, gây lãng phí xã hội rất lớn khi phải sử dụng một lượng hóa đơn cực kỳ lớn không cần thiết, không có tác dụng chống thất thu thuế.

Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Lâm Đồng cho rằng, Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ thông qua còn rất nhiều bất cập, do không ghi nhận đầy đủ các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ.

Theo vị này, việc chỉ ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp đầu mối, các sở công thương mà thiếu vắng ý kiến từ doanh nghiệp bán lẻ khiến quy định được đưa ra không sát với diễn biến kinh doanh của doanh nghiệp.

Về ý kiến liên quan vấn đề xuất hoá đơn sau mỗi lần bán của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, đề nghị trên xuất phát từ đề xuất của Bộ Tài chính. Với hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trải khắp mọi miền, việc áp dụng ngay quy định hoá đơn điện tử có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn cụ thể về lộ trình thực hiện.

Đưa ra con số liên quan đến gia tăng chi phí khi áp dụng xuất hoá đơn, vị này cho biết, tại 1 cửa hàng vùng sâu vùng xa bán lẻ, trung bình 1.000-1.500 lít/ngày sẽ phải xuất khoảng 750 hóa đơn với tổng chi phí khoảng 400.000 đồng/ngày/cửa hàng.

Với doanh nghiệp bán lẻ hiện nay, tính đầy đủ chi phí, chiết khấu cho doanh nghiệp phải ổn định quanh mức 1.100-1.200 đồng/lít, chưa kể chi phí thực hiện và vận hành hóa đơn mỗi lần bán. Doanh nghiệp bán lẻ cần được tính thêm khoản này vào chiết khấu để có thêm chi phí đảm bảo hoạt động.

“Việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày sau khi nghị định mới được thông qua sẽ tiếp tục cho thấy những vấn đề bất cập.

Để thị trường ổn định, điều cần nhất là phải phân định rõ chiết khấu cho các tầng nấc kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp đảm bảo có đủ lợi nhuận. Khi đó thị trường mới không còn cảnh doanh nghiệp kiệt sức vì thua lỗ, dẫn đến đứt gãy nguồn cung”, ông nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp đầu mối khẳng định, việc áp dụng xuất hoá đơn bán lẻ sau mỗi lần bán sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, góp phần tránh thất thoát thuế. Doanh nghiệp đầu mối không gặp vướng mắc khi triển khai, kể cả với các đại lý nhượng quyền do các chi phí này được tính vào giá chiết khấu cũng như chi phí đầu tư, nhượng quyền.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp bán lẻ, đây quả thực là sức ép khi phải gia tăng đầu tư trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn có nhiều biến động.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế.

Tuy nhiên, để làm được, doanh nghiệp cần bỏ chi phí đầu tư và các khoản chi phí này cần được tính toán, hạch toán vào giá thành ở mức tương ứng. Để thuận lợi triển khai, cơ quan quản lý cần có chính sách gắn với hỗ trợ ban đầu, đặc biệt là với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có năng lực tài chính còn hạn chế.

Đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Tại đại hội của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch hiệp hội cho biết, đơn vị này đã đề xuất nhiều giải pháp về phát triển thị trường xăng dầu lành mạnh, minh bạch trong tình hình mới trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo ông Bảo, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (QBOG) trong những năm trước đây là công cụ của Chính phủ đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc trong bối cảnh thị trường thế giới biến động tăng mạnh.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, biên độ giao động của giá dầu so với thời điểm thành lập QBOG trước khi Luật Giá năm 2012 ra đời nên QBOG thực tế chỉ bù được một phần và đang tồn tại và được áp dụng sai lệch so với thời điểm hình thành. Vì vậy, cơ quan quản lý nên xem xét bỏ QBOG.

Đại diện VINPA cũng cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung thế giới gặp khó khăn, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia thấp sẽ không phát huy được tác dụng trong những trường hợp cần thiết, không giải quyết được kịp thời tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường như vào quý IV/2022.

Vì vậy, nếu Nhà nước không tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng và gia tăng lượng dự trữ xăng dầu thì tình trạng trên sẽ còn có thể tiếp diễn trong thời gian tới.

Cùng với đó, để đảm bảo an ninh năng lượng và tạo lập thị trường xăng dầu minh bạch và phát triển ổn định trong bối cảnh mới, Nhà nước chỉ nên công bố giá cơ sở (giá xăng dầu thế giới, mức trích, chi QBOG), còn lại nên trao quyền cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu căn cứ vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo hài hòa ba lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2.00 +0.01 (+0.46%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả