Kinh doanh ế ẩm, nhiều cửa hàng ở Đà Nẵng đóng cửa, trả mặt bằng
Dù được phép hoạt động trở lại song nhiều cửa hàng kinh doanh ở Đà Nẵng vẫn ế ẩm, nhiều người đã đóng cửa, trả lại mặt bằng để cắt lỗ.
Từ đầu tháng 10, nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán tại TP. Đà Nẵng đã được mở cửa trở lại, nhưng trái ngược với bức tranh nhộn nhịp, nhiều cửa hàng dọc các tuyến phố lớn vẫn cửa đóng then cài, treo biển sang nhượng hoặc cho thuê. Nhiều địa điểm trước đây được coi là đắc địa, sầm uất thì nay cũng đìu hiu, ế ẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi chính quyền Đà Nẵng chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, hàng loạt chủ cửa hàng, shop kinh doanh quần áo, ăn uống ở các tuyến đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng... mở bán trở lại. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng đều cho rằng, nhiều tháng qua, dịch COVID-19 kéo dài khiến việc kinh doanh bị thua lỗ, thu không đủ chi phí nên nhiều người chưa trở lại kinh doanh, thậm chí phải trả lại mặt bằng để bù lỗ.
Chị Hoa, chủ shop thời trang trong kiệt đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết, mọi năm, cứ đến dịp cuối năm cửa hàng nhập về nhiều lô quần áo đủ kiểu loại để bán Noel vầ Tết. Tuy nhiên, năm nay dịch liên tục bùng phát nên kinh doanh ế ẩm nên phải trả lại mặt bằng, chờ qua năm tính tiếp.
“Những năm trước, tôi thuê mặt tiền ở đường Lê Duẩn để bán hàng cho thuận tiện, tuy nhiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, không đủ vốn cầm cự nên tôi phải trả lại mặt bằng, chuyển shop vào trong kiệt nhỏ để bán duy trì, giữ khách. Dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của người dân, do đó việc chi tiền mua sắm không mạnh tay như trước dù đã tung nhiều chương trình khuyến mãi”, chị Hoa chia sẻ.
Tương tự, chị Linh một chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến đường du lịch Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cho biết, cửa hàng ăn uống của mình đã đóng cửa suốt từ tháng 2/2020 đến nay.
Theo chị Linh, mặt tiền này đã được chị thuê hơn 4 năm nay để phục vụ ăn uống cho khách du lịch nước ngoài. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, số tiền bỏ ra cho việc thuê nhà là rất cao nhưng bù lại việc vẫn kinh doanh rất hiệu quả vì khách du lịch nước ngoài theo tour rất đông. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh ăn uống đóng cửa để phòng chống dịch khiến việc kinh doanh trở nên thua lỗ .
“Sau thời gian dài đóng cửa và chờ đợi, cho dù Đà Nẵng đã hết giãn cách và tình hình dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát nhưng với diễn biến dịch bệnh tại TP. Đà Nẵng như hiện nay, rất khó để trở lại kinh doanh. Nếu hoạt động trở lại thì cũng thua lỗ. Vì vậy, trong giai đoạn này, tôi trả lại mặt bằng để bảo toàn vốn kinh doanh”chị Linh nói.
Trong khi đó, chị Hà, chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho biết, chị đã chuyển địa điểm kinh doanh 2 nơi trong vòng chưa đầy 2 năm qua.
Đầu năm 2020, chị Hà thuê mặt bằng trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) với giá 17 triệu đồng/tháng, tuy nhiên dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn, chị phải chuyển cửa hàng đến địa điểm mới có giá thuê rẻ hơn nhằm duy trì kinh doanh.
“Việc thay đổi địa điểm cửa hàng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh, đặc biệt là mất lượng khách hàng quen. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài kèm theo nhu cầu mua giảm sâu nên phải cân bằng tài chính cho phù hợp”, chị Hà chia sẻ.
Hiện nay, tại các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng có rất nhiều chỗ treo biển thông báo tìm người thuê mặt bằng. Nhiều chủ cho thuê đã chủ động treo biển khuyến mãi, giảm giá sâu nhưng vẫn khó tìm được khách thuê, cửa đóng, then cài.
Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó do dịch COVID-19, TP. Đà Nẵng dự kiến ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn lãi 0% trong 24 tháng; hỗ trợ 30% lãi suất cho doanh nghiệp một số lĩnh vực. Nổi bật là hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại khu công nghệ cao (CNC), khu công nghiệp (KCN) và khu công nghệ thông tin tập trung.
Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng cũng vừa thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để xây dựng các kế hoạch, chương trình, kịch bản cho việc phục hồi và phát triển kinh tế thành phố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận