Kinh Bắc (KBC) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 372%; vốn điều lệ lên gần 8.000 tỷ đồng
Năm 2022, Đô thị Kinh Bắc (KBC) chốt kế hoạch doanh thu và LNST năm 2022 ở mức lần lượt là 9.800 tỷ đồng và 4.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 122% và 372% so với năm trước đó (không thay đổi so với kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào tháng 2).
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) vừa tổ chức ĐHCĐ năm 2022. Năm nay, Kinh Bắc đặt mục tiêu doanh thu đạt 9.800 tỷ đồng và 4.500 tỷ lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch đầy tham vọng này là dựa trên cơ sở sẽ bàn giao 102 ha đất công nghiệp tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), KCN Tân Phú Trung (TP Hồ Chí Minh) và 44 ha đất khu dân cư tại Phúc Ninh (Bắc Ninh), Tràng Duệ (Hải Phòng) và Tràng Cát (Hải Phòng).
Tại ĐHCĐ, Ban lãnh đạo cũng cho biết KBC đang đàm phán với nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Nếu các giao dịch này thành công, sẽ có tổng diện tích khoảng 150ha có thể được bàn giao tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và KCN Quang Châu, giúp tạo ra thu nhập đáng kể cho KBC sau này.
KBC tăng vốn điều lệ lên 7.700 tỷ đồng
KBC vẫn duy trì kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được thông qua trước đó tại ĐHĐCĐ bất thường. Theo đó, 150 triệu cổ phiếu (tương đương 26% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) sẽ được phát hành với giá không thấp hơn 80% giá bình quân trong 30 phiên giao dịch liên tiếp. Thời gian hạn chế giao dịch là 36 tháng đối với nhà đầu tư chiến lược và 18 tháng đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Tại thời điểm quý I/2022, KBC có tổng dư nợ là 7.200 tỷ đồng và 40% trong số đó là trái phiếu sẽ đến hạn vào năm 2023. Cùng với đó, KBC mới đây đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 3:1 cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ từ 5.800 tỷ đồng lên 7.700 tỷ đồng vào tháng 6/2022.
Nguồn SSI Research.
Các dự án của KBC
Mặc dù sở hữu một danh mục dự án với nhiều khu công nghiệp lớn trên toàn quốc, KBC đã và đang tập trung nhiều hơn vào việc phát triển và cho thuê các KCN ở phía Bắc, nơi nhận được phần lớn vốn FDI của cả nước trong những năm gần đây.
KCN Quang Châu tại Bắc Giang: KCN này dự kiến sẽ được phê duyệt thêm 90 ha vào tháng tới. Do đó, phần diện tích mở rộng thêm này sẽ cho phép Công ty thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong tương lai. Ban lãnh đạo cũng chia sẻ rằng hiện đã có 50 ha đang trong giai đoạn thương thảo cuối cùng để cho thuê cho một công ty chuyên sản xuất sản phẩm của Apple.
KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh tại Bắc Ninh: Theo Ban lãnh đạo, KBC gần đây đã chính thức ký hợp đồng cho thuê 22 ha tại KCN này cho Oppo với giá 70 USD/m2. Với vị trí thuận tiện về giao thông tại tỉnh Bắc Ninh - trung tâm công nghiệp chiến lược ở phía Bắc, đặc biệt là sản xuất công nghệ cao, công ty khá tự tin trong việc lấp đầy KCN này một cách nhanh chóng với nhiều sự quan tâm từ các nhà cung cấp của Apple.
Nguồn SSI Research.
KCN Tràng Duệ tại Hải Phòng: KBC đang đẩy nhanh tiến độ đền bù cho giai đoạn 3 (giai đoạn 1 và 2 đã được lấp đầy) trong khi chờ bản quy hoạch điều chỉnh của Hải Phòng được phê duyệt, dự kiến vào Q3 năm nay. Điều này sẽ cho phép KBC đẩy nhanh việc giao đất cho người thuê sau khi được chấp thuận. Trước đó, Ban lãnh đạo công ty chia sẻ rằng họ đã ký một Biên bản ghi nhớ cho thuê 115 ha tại KCN Tràng Duệ - Giai đoạn 3, trong đó LG Display có kế hoạch thuê với diện tích 80 ha ở giá thuê là 130 - 140 USD/m2, cao hơn nhiều so với giá thuê trung bình của Giai đoạn 1 & 2.
Ngoài Hải Dương, Hưng Yên và Long An, nơi KBC đang đẩy nhanh tiến độ xin cấp phép, giải phóng mặt bằng và phát triển cơ sở hạ tầng, công ty cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất tại Quảng Ninh. Đồng thời, KBC đã nhận được sự chấp thuận (về chủ trương) cho ba dự án mới tại Bắc Ninh, trong đó có KCN Quế Võ hiện tại, sẽ được mở rộng hơn nữa để phục vụ nhu cầu mở rộng nhà máy của khách hàng và củng cố thêm vị thế công ty tại tỉnh Bắc Ninh.
Quý I/2022, lợi nhuận đột biến từ đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Nhơn Hội
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, KBC ghi nhận doanh thu đạt 691,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 523,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 65,5% và 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 56,1% về còn 40,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 75,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 844,2 tỷ đồng về 279,1 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 67,1%, tương ứng tăng thêm 28,05 tỷ đồng lên 69,83 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 53,4%, tương ứng tăng thêm 50,33 tỷ đồng lên 144,54 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 23,4%, tương ứng giảm 43,8 tỷ đồng về 143,7 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 501,77 tỷ đồng lên 498,97 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi ghi nhận lỗ 9,14 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 841,59 tỷ đồng.
Như vậy, trong kỳ công ty chỉ thoát lỗ bằng việc ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.
Công ty có thuyết minh thu nhập khác do ghi nhận chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá trị hợp nhất kinh doanh 498,7 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Công ty cho biết thêm, đây là là chênh lệch đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Nhơn Hội trong quý I/2022.
CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Nhơn Hội được thành lập năm 2005, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng kinh doanh khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch và vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, văn phòng, địa chỉ tại Bình Định. Tính tới 31/3/2022, KBC sở hữu 35,35% vốn điều lệ.
Theo SSI Research, hoạt động cho thuê đất tại KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung và bán hàng tại Khu đô thị Tràng Cát sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận cho KBC. Do đó, ước tính doanh thu của chúng tôi cho hoạt động kinh doanh chính của công ty là 9.000 tỷ đồng (tăng 112% so với cùng kỳ), và LNST ước tính đạt 3.000 tỷ đồng (tăng 210% so với cùng kỳ). Đối với năm 2023, các khu công nghiệp sẽ tiếp tục là nguồn thu chính, đồng thời giai đoạn 3 của KCN Tràng Duệ và các KCN ở Long An cũng có thể bắt đầu tạo ra thu nhập. Ngoài ra, SSI Research cho rằng KBC sẽ tiếp tục bán một phần KĐT Tràng Cát cho các chủ đầu tư thứ cấp. Do đó, doanh thu của KBC có thể đạt tới con số 11.400 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ) và LNST đạt 3.700 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ). Với mức giá 31.800 đồng/cổ phiếu, KBC đang giao dịch ở mức P/E và P/B năm 2022 lần lượt là 10,6 lần và 1,4 lần, và P/E và P/B năm 2023 là 9,1 lần và 1,2 lần - trước khi tính đến tác động của việc phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu. Giá mục tiêu SSI Research đưa ra là 40.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng giá là 27%. Theo SSI Research, cổ phiếu KBC trong ngắn hạn là tiêu cực do ết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm có thể không đạt mức tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, công ty phát hành 192 triệu cổ phiếu thưởng có thể bắt đầu giao dịch được từ khoảng cuối tháng 7, như vậy, có thể tạo ra áp lực bán đối với cổ phiếu. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận