Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, hải sản của Nhật Bản tiếp tục tăng kỷ lục
Ngày 4/2, Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cho biết kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và hải sản của nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ yen (1 USD = 115,11 yen). Đây là năm thứ 9 liên tiếp, xuất khẩu nông, lâm và hải sản của Nhật Bản xác lập kỷ lục mới.
Cụ thể, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và hải sản của Nhật Bản lên tới 1.240 tỷ yen, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 804,3 tỷ yen, hải sản 301,6 tỷ yen, lâm sản 57 tỷ yen và các mặt hàng có giá trị thấp là 75,6 tỷ yen.
Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu nông, lâm và hải sản của Nhật Bản tăng mạnh là sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu ở Trung Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia/vùng lãnh thổ khác dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ Nhật Bản mà họ đã áp đặt sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 cũng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này.
Theo MAFF, với kim ngạch nhập khẩu trong năm ngoái lên tới 222,4 tỷ yen, tăng 35,2% so với năm trước đó, Trung Quốc đã lần đầu tiên vươn lên đứng đầu trong danh sách các nhà nhập khẩu nông, lâm và hải sản lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 2001. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông, lâm và hải sản của Nhật Bản sang thị trường Mỹ cũng tăng tới 41,2%.
Tính theo mặt hàng, xuất khẩu sò điệp tăng hơn gấp đôi so với năm 2020 lên 63,9 tỷ yen, trong khi xuất khẩu thịt bò sang Mỹ cũng tăng 85,9% lên 53,6 tỷ yen. Rượu whisky và sake của Nhật Bản cũng đang trở nên phổ biến hơn trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 70,2% và 66,4%. Ngoài ra, các mặt hàng khác có tỷ lệ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu cao gồm rau củ quả và hải sản như cá đuôi vàng và cá tráp.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cây trồng và hải sâm đã qua chế biến lại giảm, một phần do sự chậm trễ trong hoạt động kiểm dịch, trong khi xuất khẩu gia cầm cũng giảm sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và hải sản lên 2.000 tỷ yen vào năm 2025 và 5.000 tỷ yen vào năm 2030. Giới chức nước này nhận định việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm nay sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông, lâm và hải sản của Nhật Bản. Tuy nhiên, việc chi phí vận tải tăng do tình trạng thiếu hụt container và giá dầu tăng lại đang ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận