Kiều hối về Việt Nam sẽ tăng
Dòng kiều hối về Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng khi kiều bào gửi tiền nhiều hơn cho người thân gặp khó khăn ở quê nhà vì đại dịch Covid-19
Nguồn kiều hối đang giảm
Anh Văn Đức Ba ở Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam là người đàn ông khiếm thị. Sự khắc khổ khiến anh già hơn so với tuổi 58 của mình. Anh không đi làm, còn chị Hồng - vợ anh là lao động chính của gia đình, nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu vì chỉ buôn bán nhỏ. Nguồn tài chính của gia đình gồm 2 vợ chồng và 4 người con chủ yếu đến từ mẹ anh, đã sang Mỹ định cư cách đây hơn 10 năm cùng người con trai lai và 3 người con khác.
Anh Ba kể, thu nhập đến từ công việc “linh tinh” của vợ anh vốn đã chẳng bao nhiêu thì đại dịch Covid-19 ập đến khiến chị gần như “ngồi chơi xơi nước” suốt thời gian qua. Không nói số tiền cụ thể được mẹ chuyển về hàng tháng là bao nhiêu, nhưng anh Ba cho biết cũng tạm đủ để chi trả những nhu cầu tối thiểu của gia đình.
“Mẹ tôi có tiền chế độ nên vẫn dành dụm gửi về mỗi tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số tiền gửi về đã ít hơn và cũng không đều đặn, bởi các em bên đó thu nhập bấp bênh do đại dịch”, anh Ba nói.
Câu chuyện của gia đình anh Ba cũng tương tự với nhiều gia đình tại Việt Nam khi có nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào nguồn tiền từ người thân sinh sống, làm việc ở nước ngoài gửi về. Tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nguồn tiền này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo. Nhưng vì thu nhập tại các nước phát triển giảm do dịch bệnh đã tác động đến nguồn tiền gửi về cho người thân, khi mà tài chính được ưu tiên hơn cho lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác.
“Kiều hối là một nguồn thu nhập quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Suy thoái kinh tế do hậu quả của Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lao động di cư gửi tiền về quê nhà. Bởi vậy, việc rút ngắn thời gian phục hồi kinh tế ở các nước phát triển lại càng trở nên quan trọng”, ông David Malpass - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) nói.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về lượng kiều hối đi qua Ngân hàng những tháng dịch, một lãnh đạo cao cấp Trung tâm Kiều hối Agribank cho hay: “Kiều hối mùa Covid không nói cũng biết là giảm mạnh”.
Số liệu của WB cho biết, năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu được dự báo giảm khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19. Dòng kiều hối chảy về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự đoán giảm 19,7% xuống còn 445 tỷ USD, gây tổn thất đến nguồn tài chính mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Mặc dù dự báo sụt giảm mạnh, nhưng kiều hối vẫn được xem là nguồn tài chính quốc tế quan trọng đối với các nước thu nhập thấp và trung bình, bởi FDI dự báo còn giảm sâu hơn, ở mức hơn 35%. Năm 2019, lượng kiều hồi chảy về các quốc gia này ở mức cao kỷ lục 554 tỷ USD.
Tín hiệu sáng những tháng cuối năm
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam dự kiến giảm xuống mức tương đương 1% GDP trong năm 2020, trước khi phục hồi nhẹ lên mức 1,5% vào năm 2021. Cán thương mại vẫn duy trì thặng dư dù cả xuất khẩu và nhập khẩu cùng giảm, nhưng đây không phải là một chỉ báo về sức khỏe nền kinh tế bởi phát sinh từ việc sản lượng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ đều suy yếu.
“Áp lực khiến tài khoản vãng lai giảm nhiều khả năng do nguồn kiều hối được dự báo giảm 18% trong năm 2020. Sự sụt giảm này xuất phát từ cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc ở nước ngoài giảm thu nhập do tăng trưởng kinh tế ở nước sở tại đi xuống”, ông Cường phân tích.
Được biết, lượng kiều hối Việt Nam năm 2019, theo ước tính của WB, đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2018. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, nguồn kiều hối về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm khoảng 10-15% so với năm 2019, thậm chí tới 15-17% nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu.
Dự báo dòng kiều hối chảy vào tất cả khu vực thuộc Nhóm WB đều giảm, trong đó châu Âu và Trung Á giảm mạnh nhất với 27,5%, tiếp theo là châu Phi - cận Sahara với 23,1%, Nam Á là 22,1%, Trung Đông và Bắc Phi là 19,6%, Mỹ Latinh và Caribê là 19,3%. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo có tỷ lệ giảm thấp nhất, ở mức 13%.
Số liệu mới nhất về kiều hối được cung cấp từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, dòng chảy này đạt xấp xỉ 5,1 tỷ USD, giảm khoảng 10% và thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM chia sẻ: “Kiều hối về TP.HCM giảm mạnh thời điểm tháng 4-5, nhưng bắt đầu hồi phục từ tháng 6 và tăng mạnh trong tháng 7-8. Tính đến 31/8/2020, kiều hối toàn Thành phố đạt khoảng 3 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước, nên nếu có giảm thì cũng chỉ ở mức khoảng 1% trong năm nay”.
Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhận định, năm 2020, dịch Covid-19 khiến lượng kiều hối đổ về Việt Nam bị ảnh hưởng, nhưng theo tầm nhìn trung và dài hạn, với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, dịch vụ kiều hối có nhiều cơ hội để tăng trở lại.
Còn ông Marek Forysiak, Chủ tịch SmartPay (ví điện tử của SmartNet) thì cho rằng: “Với lực lượng kiều bào đông đảo ở khắp nơi trên thế giới, nguồn kiều hồi sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm nay và đầu năm tới, khi đây là dịp Tết cổ truyền của Việt Nam”.
Theo WB, lượng kiều hối chảy vào các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục trong năm 2021, ước tăng 5,6% lên 470 tỷ USD. Mức độ hồi phục còn phụ thuộc vào diễn biến của Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nhưng kỳ vọng dòng kiều hối “lội ngược dòng” không phải là không có cơ sở, bởi các kiều bào ở nước ngoài thường gửi tiền về nhà nhiều hơn mỗi khi người thân ở trong nước gặp khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận