Kiều hối đang bù đắp thất thoát nguồn lực FDI!
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện có nhiều đóng góp mang ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế Việt Nam thông qua lượng kiều hối gửi về nước. Theo ước tính của Chính phủ, mỗi năm lượng kiều hối người lao động Việt Nam gửi về 2,5-3 tỷ USD. Thế nhưng nguồn lực kiều hối với nhiều nỗi niềm đang bù đắp sự thất thoát cái mà chúng ta đang ca tụng: nguồn lực FDI.
Càng tăng trưởng GDP, nguồn lực kinh tế bị bào mòn?
Từ khi Hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA) của Liên hiệp quốc được áp dụng ở Việt Nam theo Quyết định 183 TTg của Chính phủ, dường như chỉ duy nhất chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) được sử dụng và đề cập một cách phổ biến. Đó là các báo cáo của các cơ quan và các nghiên cứu chỉ bàn và phân tích về GDP.
Song thực tế, trong SNA, GDP không phải chỉ tiêu quan trọng nhất. Ngoài GDP còn các chỉ tiêu như tổng thu nhập quốc gia (GNI - gross National income); thu nhập quốc gia khả dụng (NDI - National disposable income), thu nhập từ sở hữu, chi trả sở hữu, chuyển nhượng (kiều hối) và tiết kiệm (saving). Nên nhớ, nguồn lực của nền kinh tế thực chất là chỉ tiêu tiết kiệm, nó là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư. Nguồn tiết kiệm bằng NDI trừ đi tiêu dùng cuối cùng (của hộ gia đình và của Chính phủ). Nếu tiết kiệm không đủ để đầu tư nền kinh tế phải đi vay.
Tổng cục Thống kê Việt Nam từ lâu không chỉ công bố chỉ tiêu GDP, mà công bố số liệu về GNI và chi trả sở hữu thuần. Chuỗi số liệu này có từ năm 1990. Song hầu như không ai sử dụng những chỉ tiêu quan trọng này trong phân tích tình hình bức tranh thực sự của nền kinh tế.
Theo niên giám Thống kê, tỷ lệ giữa GNI và GDP ngày càng bị nới rộng. Nếu năm 2009 tỷ lệ GNI và GDP là 97%, đến năm 2019 tỷ lệ này là 94%. Điều này cho thấy luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chỉ tiêu chi trả sở hữu ngày càng nhiều. Tăng trưởng chi trả sở hữu thuần trong giai đoạn 2009-2019 theo giá hiện hành là 3,5 lần, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành giai đoạn này là 3,3 lần. Như vậy có thể thấy luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP.
Năm 2019, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, chi trả sở hữu thuần trên 15,2 tỷ USD. Còn tính toán dựa trên số liệu của Ngân hàng Nhà nước, khoản chi trả sở hữu 17,4 tỷ USD và thu nhập từ sở hữu 2,2 tỷ USD. Có nghĩa trong 17,4 tỷ USD chi trả sở hữu, có khoảng 15,2 tỷ USD do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển tiền về nước từ lợi nhuận của họ. Trớ trêu là tăng trưởng GDP đang phụ thuộc vào khu vực FDI. Điều này cho thấy nghịch lý phải chăng càng tăng trưởng GDP càng khiến nguồn lực của nền kinh tế bị bào mòn.
Theo niên giám Thống kê giá trị gia tăng của khu vực FDI khoảng 52 tỷ USD (khoảng 20% GDP), khoảng 35% trong số đó là thặng dư, tức khoảng 18 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa gần 85% lợi nhuận của khu vực FDI được chuyển về nước họ.
Dòng tiền kiều hối và nỗi niềm
Chỉ tiêu thực sự có ý nghĩa với nền kinh tế là NDI bằng GNI cộng thu từ chuyển nhượng hiện hành, trừ chi chuyển nhượng hiện hành. Và chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh nguồn lực của nền kinh tế là tiết kiệm bằng NDI trừ đi tiêu dùng cuối cùng. Như vậy nếu nguồn lực để dành cộng chuyển nhượng vốn thuần nhỏ hơn mức đầu tư, mới bù đắp khoản thiếu hụt đó phải đi vay. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp lượng để dành tương đương, thậm chí lớn hơn mức đầu tư nhưng vẫn phải đi vay. Điều này xảy ra trong trường hợp tuy có để dành nhưng vẫn ở dạng tiền tệ (cất giữ USD hoặc vàng trong nhà) không đi vào sản xuất, hoặc cũng có thể do tâm lý chủ thể này vay nhưng chủ thể khác chịu trách nhiệm trả nợ.
Thực tế trên cho thấy, kiều hối được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ kinh tế Việt Nam. Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế, cũng như giúp nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài. Ở Việt Nam kiều hối chiếm phần lớn trong chuyển nhượng hiện hành. Theo ước tính lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 khoảng 17 tỷ USD. Đây là khoản quan trọng giúp bù đắp sự mất mát do khu vực FDI chuyển tiền về nước họ. Việt Nam có thể phải vay nợ nhiều thêm, thậm chí dẫn đến vỡ nợ nếu thiếu hụt đi lượng kiều hối này.
Trong khi đó, những người lao động Việt Nam ở nước ngoài, dù chính thức hay không chính thức đều đã đóng góp một phần rất quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Những lao động ở nước ngoài để gửi những đồng tiền đẫm mồ hôi, thậm chí cả máu về quê nhà, không ít trong số họ đang gặp những rủi ro nhân cách đến thân xác, thậm chí cả tính mạng. Trong nhiều trường hợp, người lao động Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận quyền của mình tại nơi làm việc. Các khoản nợ do phí và lệ phí di cư lao động quá cao, có thể là trở ngại khiến người lao động không dám rời bỏ nơi làm việc có yếu tố bóc lột và bạo lực. Trên đồng tiền họ gửi về ẩn chứa rất nhiều nỗi niềm và đau xót.
Theo ước tính khoảng 20% lượng kiều hối nhận được hàng năm là của người lao động ở nước ngoài. Theo Tổ chức Lao động Liên hiệp quốc (ILO), mặc dù đi làm việc ở nước ngoài có nhiều tác động tích cực đối với cá nhân người lao động lẫn quốc gia tiếp nhận, nhưng người lao động di cư vẫn có thể gặp phải rủi ro bị bóc lột. Tình trạng này một phần do các khoản chi phí di cư lao động cao và những thách thức trong triển khai các biện pháp bảo vệ những người lao động ở nước ngoài.
Kiều hối được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam. Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế cũng như giúp nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận