Kiến thức về chứng khoán, đầu tư chứng khoán: Tại sao chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu, hay phát hành cổ phiếu ESOP…thì giá tham chiếu, vốn chủ sở hữu… lại thay đổi?
Loạt bài này Chú Ba Tài chính sẽ chia sẻ và giải thích về những trường hợp: doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu giá ưu đãi cho nhân viên, cho cổ đông chiến lược….và những thay đổi tương ứng của vốn cổ phần, thặng dư vốn, lợi nhuận giữ lại, giá tham chiếu, giá đóng cửa điều chỉnh.
TRƯỜNG HỢP 1: DOANH NGHIỆP CHIA CỔ TỨC BẰNG TIỀN
Chú Ba: Cháu lấy ví dụ về một doanh nghiệp niêm yết tên là ABC.
Trước ngày chia cổ tức bằng tiền, doanh nghiệp ABC có 800 triệu cổ phần.
Vốn cổ phần = 800 triệu cổ phần * 10.000 VNĐ/cổ phần = 8.000 tỷ VNĐ.
Thặng dư vốn = 2.000 tỷ VNĐ.
Lợi nhuận giữ lại = 5.000 tỷ VNĐ.
Theo đó,
Vốn chủ sở hữu = 8.000 tỷ VNĐ + 2.000 tỷ VNĐ + 5.000 tỷ VNĐ = 15.000 tỷ VNĐ
Giá cổ phiếu ABC trước khi chia: 45.000 VNĐ/cổ phần.
Vốn hóa (giá trị thị trường) của doanh nghiệp ABC = 800 triệu cổ phần * 45.000 VNĐ/cổ phần = 36.000 tỷ VNĐ
Doanh nghiệp ABC quyết định dùng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng tiền, với tỷ lệ 20% trên mệnh giá.
Cổ tức cho 1 cổ phần = 20% * 10.000 VNĐ = 2.000 VNĐ
Tổng số cổ tức được chia cho toàn bộ cổ đông: 2.000 VNĐ * 800 triệu cổ phần = 1.600 tỷ VNĐ.
Trước khi phân tích tiếp, cháu nói về ngày "Ngày giao dịch không hưởng quyền" hoặc "Ngày đăng ký cuối cùng".
Bà Ngoại: Mấy cái ngày này ngoại nghe nói nhiều mà không hiểu rõ.
Chú Ba: Dạ. Theo quy định chu kỳ thanh toán T+2 hiện tại, nhà đầu tư mua cổ phiếu vào ngày T, thì hai ngày sau tức là T+2 cổ phiếu mới về.
Như vậy giả sử ngày 5/10/2022 là "Ngày đăng ký cuối cùng", tức là ngày Trung tâm lưu ký chốt danh sách khách hàng sở hữu chứng khoán để thực hiện các quyền liên quan cho cổ đông: quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông.
Thì nhà đầu tư phải mua cổ phiếu trễ nhất là vào ngày 3/10/2022 thì đến ngày 5/10/2022, nhà đầu tư mới được sở hữu chứng khoán và có tên trong danh sách được nhận các quyền liên quan cho cổ đông: quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông.
Ngày 4/10/2022 là ngày giao dịch không hưởng quyền. Nhà đầu tư khi mua cổ phiếu vào ngày này, không được hưởng các quyền có liên quan: quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông. Lý do nhà đầu tư mua vào ngày 4/10/2022 thì sẽ sở hữu chứng khoán vào ngày 6/10/2022, đã trễ hạn, vượt qua ngày đăng ký cuối cùng.
Bà Ngoại: Cám ơn cháu, ngoại đã rõ. Vậy việc gì sẽ xảy ra trong ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ)?
Chú Ba: Dạ. Chúng ta phân tích về sự thay đổi của các tài khoản quan trọng.
Tổng số cổ tức được chia là 1.600 tỷ VNĐ, được trích từ lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp ABC.
Như vậy, ngay sau khi chia xong:
Lợi nhuận giữ lại = 5.000 tỷ
VNĐ – 1.600 tỷ VNĐ = 3.400 tỷ VNĐ.
Vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống tương ứng.
Vốn chủ sở hữu = 8.000 tỷ VNĐ + 2.000 tỷ VNĐ + 3.400 tỷ VNĐ = 13.400 tỷ VNĐ
Bà Ngoại: Vậy cổ đông sẽ được hưởng 2.000 đồng/cổ tức cho 1 cổ phần, có ngay tỷ suất lợi nhuận = 2.000 VNĐ / 45.000 VNĐ = 4,44%, chỉ qua một đêm.
Chú Ba: Dạ không đâu ngoại. Giá tham chiếu của cổ phiếu sẽ điều chỉnh giảm 2.000 VNĐ ngay ngày giao dịch không hưởng quyền.
Bà Ngoại: Sao kỳ vậy? Tự nhiên giảm giá cổ phiếu của người ta. Cổ đông đầu tư vào doanh nghiệp, bây giờ được chia cổ tức, thì giá cổ phiếu điều chỉnh giảm bằng với cổ tức. Vậy cổ đông không có lợi nhuận hả thằng Ba?
Chú Ba: Dạ, là như vầy, khi doanh nghiệp kinh doanh tạo ra lợi nhuận, tức là tăng giá trị của doanh nghiệp. Thông tin về lợi nhuận của doanh nghiệp đã được đưa ra công chúng từ mấy tháng trước, và đã được thị trường thể hiện vào giá cổ phiếu.
Hành động chia cổ tức của doanh nghiệp, tức là chuyển số tiền lợi nhuận từ doanh nghiệp qua cho cổ đông, không tạo ra một giá trị nào thêm cả.
Từ lúc đóng cửa hôm trước cho đến mở cửa hôm nay, tổng tiền không thay đổi. Do đó, giá tham chiếu cổ phiếu sẽ giảm 2.000 VNĐ tương ứng với 2.000 VNĐ cổ tức.
Bà Ngoại: Tức là vào ngày giao dịch không hưởng quyền, giá tham chiếu của cổ phiếu sẽ giảm 2.000 VNĐ.
Chú Ba: Dạ đúng. Giá đóng cửa của cổ phiếu vào ngày trước ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) là 45.000 VNĐ. Vào ngày GDKHQ, giá tham chiếu của cổ phiếu sẽ được giảm 2.000 VNĐ, xuống còn 43.000 VNĐ.
Như vậy, cổ đông vào cuối ngày hôm trước sở hữu cổ phiếu ABC giá 45.000 VNĐ, thì ngay sáng ngày GDKHQ, cổ đông sẽ sở hữu cổ phiếu ABC giá 43.000 VNĐ và 2.000 VNĐ tiền mặt. Cổ đông không lỗ cũng không lời ngay lúc thị trường mới vừa mở cửa để giao dịch.
Chứ nếu không giảm giá tham chiếu, thì chắc ai cũng ùn ùn mua cổ phiếu ABC, vừa mua hôm trước hôm sau đã có cổ tức. Chỉ qua một đêm mà lời 4,44%.
Bà Ngoại: Thằng Ba giải thích vậy ngoại rõ rồi. Bao lâu sau thì nhà đầu tư được nhận cổ tức?
Chú Ba: Cũng tùy công ty. Thông thường là vài tuần tiền sẽ vào tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư.
Bà Ngoại: Nhà đầu tư có phải đóng thuế trên tiền cổ tức không thằng Ba?
Chú Ba: Dạ theo luật hiện nay, nhà đầu tư phải trả 5% cho số cổ tức nhận được. Khi tiền đến tài khoản chứng khoán thì đã được trừ 5% này ra rồi. So với nước ngoài, thuế chứng khoán của Việt Nam là quá nhẹ nghen ngoại.
Bà Ngoại: Ngoại cũng nghe mấy đứa nước ngoài than thuế nặng lắm.
Chú Ba: Mình trở lại với ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ phiếu ABC. Giá tham chiếu đầu ngày giao dịch sẽ là 43.000 VNĐ
Bà Ngoại: Vậy vốn hóa (giá trị thị trường) của doanh nghiệp cũng giảm tương đương.
Chú Ba: Dạ, vốn hóa của doanh nghiệp ABC sẽ là = 800 triệu
cổ phần * 43.000 VNĐ/cổ phần = 34.400 tỷ VNĐ.
Bà Ngoại: Tức là vốn hóa bị giảm đi.
Chú Ba: Dạ đúng. Vốn hóa của doanh nghiệp giảm
= 36.000 tỷ VNĐ – 34.400 tỷ VNĐ = 1.600 tỷ VNĐ. Bằng đúng số tiền mà doanh nghiệp chia cổ tức.
Nói một cách khác, là tiền của doanh nghiệp đã được chuyển qua cho cổ đông.
Vì thế một số doanh nghiệp có dự án phát triển tốt, có khả năng sinh lợi tốt, ROE, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, ví dụ lên đến mức 20%/năm, sẽ thuyết phục cổ đông không chia cổ tức. Tiền để lại trong doanh nghiệp có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận 20%/năm. Cổ đông nếu đem tiền về thì khó mà làm ra lợi nhuận mức đó.
Bà Ngoại: Ngoại hiểu rồi. Vậy, sau khi giá tham chiếu giảm xuống 43.000 VNĐ thì cuối ngày giá cổ phiếu ABC sẽ như thế nào?
Chú Ba: Giá do thị trường quyết định. Nếu trong phiên giao dịch, lực cầu cổ phiếu cao hơn lực cung thì giá tăng, ngược lại thì giá giảm. Mình ví dụ, giá đóng cửa là 43.900 VNĐ.
Bà Ngoại: Giá đóng cửa là giá cuối phiên?
Chú Ba: Dạ đúng. Giá đóng cửa là giá cuối phiên. Giá đóng cửa được xem như là giá cổ phiếu ABC của ngày hôm đó.
Bà Ngoại: Chiều hôm trước giá 45.000 VNĐ, chiều hôm nay giá 43.900 VNĐ. Nhà đầu tư lỗ. Tỷ suất lợi nhuận = (43.900 VNĐ – 45.000 VNĐ) / 45.000 VNĐ = - 2,44%.
Chú Ba: Bà ngoại quên 2.000 VNĐ cổ tức rồi.
Giá hôm trước = 45.000 VNĐ. Giá hôm nay = 43.900 VNĐ. Cộng thêm 2.000 VNĐ cổ tức nữa, nên giá trị từ 1 cổ phiếu mà cổ đông được hưởng tại thời điểm chiều hôm nay là = 43.900 VNĐ + 2.000 VNĐ = 45.900 VNĐ.
Tỷ suất lợi nhuận trong ngày hôm nay = (45.900 VNĐ – 45.000 VNĐ) / 45.000 VNĐ = 2%.
Bà Ngoại: Nhưng trên bảng giá lịch sử, thì người ta vẫn ghi giá hôm qua là 45.000 VNĐ, và giá hôm nay là 43.900 VNĐ. Nhìn vào bảng giá cứ nghĩ rằng cổ phiếu ABC lỗ trong ngày hôm đó.
Chú Ba: Ngoại nói đúng rồi. Bảng giá lịch sử chỉ thể hiện giá cổ phiếu, chứ không thể hiện cổ tức bằng tiền, cổ tức cổ phiếu, cổ phiếu được chia thêm… Vì tính theo bảng giá thì sẽ ra tỷ suất lợi nhuận sai, vì chúng ta bỏ qua những lợi ích tiềm ẩn này của cổ đông.
Vì thế mới xuất hiện giá đóng cửa điều chỉnh, tiếng Anh gọi là Adjusted Closing Price.
Bà Ngoại: Giá đóng cửa điều chỉnh?
Chú Ba: Dạ, giá đóng cửa điều chỉnh của cổ phiếu là giá thể hiện chính xác lợi nhuận của cổ phiếu và được sử dụng trong phân tích kỹ thuật, trong đầu tư dài hạn.
Bà Ngoại: Giá đóng cửa điều chỉnh được tính như thế nào?
Chú Ba: Dạ cũng đơn giản. Ngày hôm nay, cổ đông của ABC có tỷ suất lợi nhuận là 2%.
Giá đóng cửa là 43.900 VNĐ.
Vậy giá đóng cửa điều chỉnh của ngày trước sẽ được tính bằng = 43.900 VNĐ / (1+2%) = 43.039,22 VNĐ.
Chúng ta kiểm tra lại:
Giá đóng cửa điều chỉnh hôm trước = 43.039,22 VNĐ
Giá đóng cửa hôm nay = 43.900 VNĐ
Tỷ suất lợi nhuận = (43.900 VNĐ – 43.039,22 VNĐ) / 43.039,22 VNĐ = 2,00%
Bà Ngoại: Giá đóng cửa điều chỉnh hay quá. Như vậy cứ mỗi lần công ty chia cổ tức thì giá đóng cửa của ngày trước ngày GDKHQ sẽ được điều chỉnh.
Chú Ba: Dạ. Việc điều chỉnh giá đóng cửa không chỉ áp dụng cho cổ tức bằng tiền, mà còn áp dụng đối với cổ tức bằng cổ phiếu, cũng như khi chia tách cổ phiếu…tức là khi cổ đông có những lợi ích tiềm ẩn, những lợi ích không được thể hiện trên bảng điện.
Doanh nghiệp sẽ có nhiều sự kiện cổ tức, chia tách cổ phiếu nên giá đóng cửa điều chỉnh trong quá khứ sẽ nhỏ dần.
Ví dụ: Giá đóng cửa ngày 04/11/2022 của FPT là 72.900 VNĐ
Giá đóng cửa ngày 13/12/2006 là 400.000 VNĐ.
Nhưng giá đóng cửa điều chỉnh của FPT vào ngày 13/12/2006 là 15.700 VNĐ.
Vấn đề này cháu có nhắc lại trong bài tính tỷ suất lợi nhuận trong đầu tư chứng khoán ngắn hạn và dài hạn.
Bà Ngoại: Vậy giá đóng cửa điều chỉnh này sẽ được ghi lại trên bảng giá lịch sử.
Chú Ba: Dạ. Một bảng giá lịch sử đúng “chuẩn” sẽ có các cột: Giá mở cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất, giá đóng cửa và giá đóng cửa điều chỉnh.
Bà Ngoại: Ở Việt Nam, giá đóng cửa điều chỉnh đã trở nên phổ biến chưa?
Chú Ba: Dạ, cũng bắt đầu rồi. Năm 2007, cháu có viết bài “Giá đóng cửa điều chỉnh, tầm quan trọng và cách tính” trên báo Đầu tư Chứng khoán (tinnhanhchungkhoan). Bài nói về tầm quan trọng của giá đóng cửa điều chỉnh đối với việc tính toán tỷ suất trong đầu tư dài hạn, và trong phân tích kỹ thuật. Nhưng lúc đó ít người hưởng ứng.
Hiện nay thì cũng có một số web về dịch vụ tài chính, vài công ty chứng khoán có cung cấp giá đóng cửa điều chỉnh trong bảng giá lịch sử. Cháu nghĩ là trong tương lai gần, giá đóng cửa điều chỉnh sẽ có mặt tất cả các bảng giá lịch sử.
** Bài này nằm trong cuốn sách “Đầu tư chứng khoán: chơi trò may rủi hay tích lũy tài chính”.
Nếu các bạn hưởng ứng (thể hiện qua số tương tác: like, comment), tôi sẽ chia sẻ tiếp các trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu, hay phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược…
Thân ái
Chú Ba Tài chính LMC
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận