Kiến nghị gỡ vướng mắc dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Toàn tuyến có ba dự án thành phần là: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Sáng 14/4, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Toàn tuyến có ba dự án thành phần là: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Toàn tuyến dự án đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. 2.684 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án. Diện tích đất giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 1.221 ha.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận Nguyễn Hữu Trung cho biết: Thời gian qua, các sở, ngành liên quan, các huyện có tuyến cao tốc đi qua đã tập trung, tích cực triển khai các công việc theo nhiệm vụ được giao. Tính đến ngày 13/4, có 2.657/2.684 hộ dân và tổ chức đã bàn giao mặt bằng, đạt 99%. Diện tích đất sạch đã bồi thường là 1.204/1.221 ha, đạt 98,6%. Hiện nay, các huyện đang tích cực phối hợp di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, viễn thông) tại các đoạn có đường cao tốc đi qua.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án còn gặp một số khó khăn. Tính đến ngày 13/4, vẫn còn 27 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường. Bên cạnh đó, tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng, 25 hộ dân vẫn chưa di dời, bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công.
Về nhu cầu vật liệu xây dựng, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long, tổng nhu cầu vật liệu xây dựng cho dự án đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây là 11,7 triệu m3 đất đắp phục vụ thi công nền đường cao tốc. Toàn tuyến xây dựng này có 33 mỏ với tổng trữ lượng đất, đất tầng phủ khoảng 28 triệu m3. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long tại các mỏ, khối lượng đất và đất tầng phủ được phân thành 3 loại gồm: đất, đất lẫn đá và đá phong hóa. Đất lẫn đá và đá phong hóa không đảm bảo làm vật liệu đắp nền theo yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Tại buổi làm việc, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xem xét chấp thuận phương án sử dụng 1,1 triệu m3 đá tận dụng tại gói thầu số 1 đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết để nghiền thành vật liệu đắp nền đường cao tốc theo đề nghị của Ban Quản lý dự án 7; xem xét chấp thuận cho sử dụng đất lẫn đá và đá phong tại các mỏ. Các vật liệu này nếu được sử dụng cho dự án sẽ đáp ứng ngay toàn bộ nhu cầu đất đắp cho đoạn Phan Thiết – Dầu Giây và 70% nhu cầu đất đắp của đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn vật liệu xây dựng tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét rút ngắn thời gian làm thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ liên quan đến các mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, phối hợp của tỉnh Bình Thuận trong việc giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cần sớm giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân còn lại để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đối với việc di dời đường dây 220 kV và 500 kV thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương, tỉnh cần hoàn thiện hồ sơ và gửi đoàn công tác trình Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết sớm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Đối với vật liệu phục vụ thi công, các mỏ đang khai thác vật liệu phục vụ thi công, vấn đề nào thuộc thẩm quyền địa phương thì phối hợp giải quyết sớm. Các Ban quản lý dự án phối hợp với tỉnh rà soát lại các mỏ, đánh giá trữ lượng để có phương án giải quyết hợp lý; cần có báo cáo cụ thể mỏ vật liệu nào dùng được, mỏ nào không dùng được với tỉnh để xử lý theo thẩm quyền. Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại toàn tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh để có hướng giải quyết tiếp theo.
Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và đề nghị tỉnh Bình Thuận cần có báo chính thức, chi tiết sau buổi làm việc để có cơ sở trình Thủ tướng, Quốc hội xem xét giải quyết./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận