Kiến nghị Chính phủ nâng công suất mỏ vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam
Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ cho phép UBND tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh nâng công suất khai thác mỏ đất theo nhu cầu của dự án đảm báo tiến độ cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Theo báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ TN&MT, hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang bị thiếu khối lượng đất đắp nền đường rất lớn, trong đó điển hình như dự án Mai Sơn - QL45 thiếu 7,13 triệu m3, Cam Lộ - La Sơn đoạn qua Thừa Thiên Huế thiếu 1,9 triệu m3, Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu 7,5 triệu m3, Phan Thiết - Dầu Giây thiếu 4,5 triệu m3.
“Các dự án này cần đủ đất đắp nền đường ngay trong năm 2021, nếu không sẽ bị chậm tiến độ thi công”, văn bản của Bộ TN&MT nêu rõ.
Bên cạnh đó, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam mới khởi công hoặc đang lập thiết kế bản vẽ thi công theo tính toán cũng đang bị thiếu hụt rất nhiều và sẽ là trở ngại trong tương lai gần.
Báo cáo của Bộ TN&MT nêu rõ, để cung cấp vật liệu đắp nền đường cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trước khi triển khai dự án các địa phương đã quy hoạch 204 mỏ đất, gồm: 77 mỏ đã cấp phép khai thác, 112 mỏ chưa đủ điều kiện khai thác và 15 mỏ đã quy hoạch nhưng không đủ trữ lượng làm đất đắp nền.
Theo Bộ TN&MT, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 (16/6/2021) đến ngày 15/9/2021, có 17 mỏ đất được cấp phép mới và 4 mỏ đất được nâng công suất lên đến 50% (Bình Thuận: 3 mỏ, Thừa Thiên - Huế: 1 mỏ).
Đánh giá của Bộ TN&MT cho biết, sau khi Nghị quyết 60 của Chính phủ ban hành, công tác rà soát, giải quyết thủ tục cấp phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường làm vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Điển hình, số lượng các mỏ quy hoạch cung cấp cho dự án nhưng chưa cấp phép khai thác khá nhiều, phần lớn là các mỏ mới cấp phép đang thăm dò (28 mỏ) hoặc đã thăm dò nhưng chưa cấp khai thác (45 mỏ), chưa cấp phép thăm dò (33 mỏ) nên cần thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường để cấp phép khai thác.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Tĩnh,… số lượng các mỏ đất sét đã cấp phép khai thác khá nhiều, trữ lượng vượt quá nhu cầu đất đắp nền đường nhưng công suất theo giấy phép khai thác thấp hoặc rất thấp (chiếm gần 65%).
“Nếu nâng công suất khai thác tối đa đến 50% theo Nghị quyết 60 của Chính phủ, chỉ tăng được 10-30% tổng nhu cầu vật liệu đất đắp nền trên địa bàn, đặc biệt là nhu cầu năm 2021”, Bộ TN&MT nêu rõ.
Để kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp đất đắp nền đường cung cấp cho dự án và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh nội dung Nghị quyết 60 như đề nghị của Bộ GTVT tại Công văn 9608 ngày 15/9/2021: “Cho phép UBND tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương”.
Bộ TN&MT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh nơi dự án đi qua thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn đầy đủ, kịp thời, phù hợp với biến động giá thực tế tại địa phương (bao gồm cả vật liệu đất đắp).
“UBND các tỉnh thành có dự án đi qua cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác đối với các tổ chức, cá nhân không cung cấp vật liệu cho dự án đã nêu trong giấy phép khai thác và quy định của Nghị quyết 60”, Bộ TN&MT đề nghị.
Trước đó, tại cuộc họp chỉ đạo triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam gần đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị xác định rõ trách nhiệm trong giải quyết thủ tục liên quan đến vật liệu xây dựng cho nhà thầu. Bản thân ban quản lý dự án, các nhà thầu cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này, "chứ không chỉ phản ánh là thiếu". Bởi trong quá trình lập hồ sơ tham gia dự thầu, nhà thầu đã cam kết với chủ đầu tư về các điều kiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó có vấn đề vật liệu xây dựng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhà thầu; có các quy định đảm bảo nhà thầu thực hiện đúng cam kết về tiến độ, đảm bảo vật liệu xây dựng, không để tái diễn tình trạng thiếu vật liệu xây dựng trong tương lai.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của địa phương trong vấn đề này bởi căn cứ hồ sơ mời thầu, các nhà thầu đã làm việc cụ thể với địa phương, khảo sát, đánh giá nguồn cung vật liệu trước khi lập hồ sơ dự thầu. Phó Thủ tướng lưu ý, phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề vật liệu xây dựng đối với các gói thầu sau này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận