menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Kiên định mục tiêu tăng trưởng

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 (ngày 1/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tới thời điểm này chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội (KT-

Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực

Chính phủ thống nhất nhận định, trong 6 tháng qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi cũng lớn; nhưng khó khăn, thử thách nhiều hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực. Mặc dù vậy, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi, nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa làm đứt gãy các dòng đầu tư, thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ và tại các địa bàn có dịch bùng phát; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (hết 6 tháng mới đạt khoảng 29%); số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở mức cao; giá nguyên, nhiên vật liệu vẫn trong xu hướng tăng cao; đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Kiên định mục tiêu tăng trưởng
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất công nghiệp

Trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ; đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất.

Trong đó, cần tập trung cao độ, dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa ưu tiên phòng, chống dịch và phát triển KT-XH. Xây dựng và triển khai chiến lược vaccine theo hướng mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể trên tinh thần tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; đồng thời thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, hiệu quả, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ cũng yêu cầu theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo và cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Điều hành linh hoạt, hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai kịch bản tăng trưởng

Việc tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,22%) đã tạo áp lực lớn cho 6 tháng cuối năm 2021. Trong khi những khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế còn nhiều, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ, trước mắt là trong quý III. Vì vậy, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là rất thách thức.

Tuy nhiên, với các yếu tố tích cực và kết quả đã đạt được của 6 tháng đầu năm kể trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị vẫn giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra (mục tiêu của Quốc hội đặt ra là 6%; Chính phủ là 6,5%) và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất. Bộ cũng đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, quý IV tăng 6,5%. Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% và quý IV tăng 7,5%.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển KT-XH. Theo đó tùy diễn biến tình hình thực tế, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; hoặc ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển KT-XH; hoặc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.

Ví dụ, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và đến nay cơ bản kiểm soát được tình hình nên hiện nay đang chuyển sang ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. Trong khi đó trước tình hình dịch bệnh đang phức tạp hiện nay, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ đang phải tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Một điểm quan trọng nữa mà các tỉnh cần lưu ý là khi mở lại hoạt động các KCN phải đảm bảo an toàn, kiên quyết không để dịch tái bùng phát trở lại.

Chiều muộn ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với tổng mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng. Thông tin về gói hỗ trợ mới này tại buổi họp báo Chính phủ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết có 12 nội dung và nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này. Các nguyên tắc cơ bản của hỗ trợ lần này là: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; Thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất; Đảm bảo chính sách có tính khả thi; Mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách (trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly). Theo đó, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 sẽ được nhận từ 1,5 triệu đồng/người đến 3,71 triệu đồng/người; các lao động tự do được hỗ trợ ít nhất là 1,5 triệu đồng/người…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả