Kiểm soát cảm xúc- Nguyên tắc số 1 trong đầu tư chứng khoán
Thư giãn là cách tốt nhất giúp cho tâm lý của bạn trở về trạng thái cân bằng.
Hãy làm tất cả những gì bạn cảm thấy thoải mái trước khi bắt tay vào giao dịch, tránh tình trạng tiếc nuối và tự ngẫm nghĩ giá như mình bình tĩnh hơn.
Nếu bạn hưng phấn khi đang nắm giữ tiền thì bạn có thể sẽ mua đuổi trong những phiên tăng nóng và rơi vào trạng thái thua lỗ ngắn hạn, thậm chí hàng về lỗ nặng. Đáng lẽ nếu bạn không hưng phấn thì bạn có thể đợi phiên điều chỉnh của hôm sau. Nếu không điều chỉnh thì bỏ qua cổ phiếu này. Thà mất cơ hội chứ nhất quyết không để mất tiền.
Nếu bạn quá kỳ vọng khi đang nắm giữ cổ phiếu thì khi cổ phiếu xuống đến quá mức cắt lỗ, bạn vẫn cứ hy vọng hão huyền rằng nó sẽ lên lại trong khi chiến lược đúng đắn trong đầu tư chứng khoán là phải bán mã cổ phiếu yếu, mua mã cổ phiếu mạnh. Bất kỳ cổ phiếu nào vi phạm ngưỡng cắt lỗ mà bản thân bạn đề ra là phải nên cắt (thường là -7% đối với đầu tư lướt sóng). Hãy nhớ: “Bán yếu, mua mạnh”
Nếu bạn tham lam khi đang nắm giữ cổ phiếu thì bạn sẽ không nghĩ đến việc chốt lời. Bạn cứ chắc chắn rằng cổ phiếu sẽ tăng mãi. Đến một ngày cổ phiếu giảm mạnh như những phiên sập sàn ngày 05-06/02/2018 thì bạn sẽ mất lãi rất nhiều, thậm chí lỗ. Bạn tiếc nuối rằng giá như mình chốt lời sớm hơn thì đâu đến nỗi (thường là +7% đối với đầu tư lướt sóng). Không phải ngẫu nhiên mà dân chứng khoán có câu “Chốt lời chắc tay, không bao giờ sai”. Lúc này nếu bạn tiếp tục không quản trị được cảm xúc, bạn lại tiếp tục rơi vào trạng thái quá kỳ vọng rằng cổ phiếu đang xuống sẽ lên lại.
Nếu bạn hưng phấn và tham lam khi đang nắm giữ tiền thì bạn nhìn cổ phiếu nào tốt bạn cũng mua vào khiến danh mục của bạn quá dài, không thể quản trị nổi. Giả sử khi thị trường điều chỉnh thì bạn không thể xử lý kịp nếu nhiều mã bạn cầm cùng có biến động mạnh. Lúc này nếu bạn lại không quản trị được cảm xúc thì cũng có thể khiến bạn bán ra trong hoảng loạn, bạn sẽ bán đi những cổ phiếu mà có đà tăng tốt lẫn những cổ phiếu đang có tích lũy tốt.
Nếu bạn quá yêu thích một cổ phiếu, bạn sẽ chỉ mua 1 cổ phiếu đó hoặc tỷ trọng cổ phiếu đó trong danh mục chiếm phần lớn. Điều này đúng nếu cổ phiếu đó là tốt nhất của thị trường, còn nếu bạn chọn sai thì bạn sẽ lỗ nặng. Chiến lược đúng đắn nhất chính là phân bổ 1 phần tiền và 1 phần cổ phiếu. Danh mục cổ phiếu hợp lý gồm 5 mã tốt nhất. Sau một thời gian quan sát danh mục, ta mới bán bớt cổ phiếu yếu đi để giữ lại và mua tăng tỷ trọng 3 mã đúng nhất.
Tuy nhiên, hãy nhớ quy tắc: Chốt lời chắc tay. Còn trường hợp khác cũng gần tương tự, đó là có cảm tình với 1 mã cổ phiếu bởi vì bạn đã từng mua đúng đáy, bán đúng đỉnh mã đó. Bạn từng thắng đậm bởi mã đó và bạn quyết tâm mua lại bằng được mà quên mất lý trí của bản thân, quên hết phân tích, nhận định, quên tìm kiếm những thông tin liên quan đến mã đó. Cuối cùng, bạn lỗ nặng vì cổ phiếu không may đi xuống và cảm xúc của bạn từ yêu chuyển thành ghét. Lúc này, khi mã đó xuất hiện điểm mua mới thì bạn chắc chắn sẽ bỏ lỡ vì bạn đã trót ghét mã đó mất rồi.
Nếu bạn hoảng loạn khi đang nắm giữ cổ phiếu thì bạn có thể bán ra những mã cổ phiếu đang có xu hướng tăng hoặc tích lũy khi thị trường điều chỉnh. Điều này gây thiệt hại lớn vì bạn đã mất đi cơ hội có lợi nhuận cao bởi những cổ phiếu thể hiện giữ giá tốt hoặc tăng giá trong thị trường điều chỉnh luôn là đầu bảng trong những mã cổ phiếu mạnh nhất trong tương lai.
Nếu bạn lo lắng khi đang giữ tiền thì bạn sẽ không thể giải ngân vào những mã cổ phiếu tốt nhất trên thị trường. Bạn lo rằng cổ phiếu sẽ xuống giá thêm hay đi ngang quá lâu. Tâm lý này khiến những cơ hội mua mới dần trôi đi và đến lúc cổ phiếu tăng mạnh thì bạn lại thấy tiếc. Nếu lúc này bạn lại không quản trị tốt cảm xúc khi nhìn cổ phiếu tăng để rồi hưng phấn, thì khi đó thì thường là bạn lại mua đuổi và lỗ ngắn hạn.
Ở đây không bàn đến chuyện cổ phiếu lên hay xuống mà là bạn đã để cảm xúc lấn át lý trí quá nhiều khiến những cơ hội dần trôi đi, lợi nhuận đáng lẽ thuộc về bạn nhưng bạn lại để tuột mất.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận