24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Nhật
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kích thích kinh tế: Cần các giải pháp trọng điểm

Sau khi đã kích thích nền kinh tế thông qua chính sách hỗ trợ chung, đây là thời điểm mà Chính phủ cần tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực cụ thể, có khả năng lan toả và vực dậy nền kinh tế. Trong 6 tháng cuối năm, công tác điều hành cần tập trung vào các chính sách trọng tâm, trọng điểm.

Chủ trương nhanh, thực thi còn chậm

Đánh giá về công tác quản lý, điều hành nền kinh tế 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ đã có những động thái chính sách hỗ trợ, giảm “xóc” rất nhanh, có thể nói là nhanh hơn các nước khác. Từ Chỉ thị 11/CT-TTg ký ban hành ngay đầu tháng 3 của Thủ tướng, đến Nghị quyết 42/NQ-CP ban hành ngày 9/4 của Chính phủ và các nghị quyết tiếp theo, Chính phủ đã đứng ở vai trò của người quản lý nhà nước, thực hiện tất cả các trách nghiệm về hỗ trợ chung. Có thể nói, những chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ và được quy định theo luật, thì đều đã được triển khai ngay từ khi có Chỉ thị 11.

Tuy nhiên dù được ban hành từ rất sớm, cho đến nay các gói hỗ trợ lại đang được triển khai tương đối chậm. Đơn cử như gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 hiện mới giải ngân được khoảng 37.000 tỷ đồng, tương đương 20,6%. Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người lao động, người yếu thế, hiện mới giải ngân được khoảng 17.500 tỷ đồng, tương đương 28,2%... Nguyên nhân do hiện các DN đang khó tiếp cận bởi tiêu chí lựa chọn chưa rõ ràng, khiến ngay cả đơn vị cung ứng nguồn vốn hỗ trợ này cũng gặp lúng túng.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn định, gói 62.000 tỷ đồng đến nay mới giải ngân được khoảng 17.000 tỷ đồng do tiêu chí đưa ra rất bất cập; gói giãn, hoãn thuế cũng mới đạt khoảng 43.000 tỷ đồng là tổng giá trị DN nộp lên để xin giãn, hoãn, đạt khoảng 25% quy mô hỗ trợ đặt ra ban đầu. Rõ ràng tốc độ thực hiện các gói này là rất chậm. Trong khi theo ông Lực, “nhiều DN cho biết không mặn mà với các chính sách này vì có lãi đâu mà nộp thuế”.

Bên cạnh đó, tình hình thực tế hiện nay cho thấy một mặt cần mở rộng đối tượng hỗ trợ, mặt khác cần lựa chọn bằng các tiêu chí phù hợp. Ông Lực đề xuất, trước đây chính sách tập trung cho DN nhỏ, nhưng bây giờ kể cả DN lớn, tạo lan toả cũng phải được hỗ trợ, ví dụ các DN trong ngành hàng không.

Các chuyên gia cũng cho rằng đây là thời điểm cần lựa chọn một số ngành kinh tế trọng điểm để tập trung hỗ trợ. Sở dĩ thời gian qua chúng ta đặt vấn đễ hỗ trợ ngành hàng không là bởi theo dự báo của Tổ chức Hàng không quốc tế, suy giảm của ngành này trong năm 2020 bình quân khoảng 60-70% là mức rất lớn, để phục hồi về mức của năm 2019 sẽ mất 2-3 năm. Bên cạnh đó, đây cũng là ngành cực kỳ thiết yếu, hệ số lan toả liên quan tới hơn 30 ngành nghề lĩnh vực khác.

Cùng với hàng không, cần lựa chọn các ngành kinh tế lớn khác để xem xét việc xây dựng các chính sách hỗ trợ. Theo đó, tiêu chí đầu tiên, đó phải là ngành thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Thứ hai là nếu ngành nghề đó phục hồi thì sức lan tỏa là rất lớn. Thứ ba và quan trọng nhất, ngành này phải có khả năng phục hồi, duy trì được sản xuất.

Hỗ trợ mạnh hơn song cần đúng địa chỉ

Với hình ảnh “cỗ xe tam mã” kéo tăng trưởng gồm ba yếu tố đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra, theo các chuyên gia, đầu tư sẽ tiếp tục là “con ngựa” khoẻ nhất. Trong khi đó, xuất khẩu là yếu tố ít được kỳ vọng hơn cả. TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, đây là thời điểm cần kiên trì với định hướng tập trung khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa. Bởi hiện nay xuất khẩu phụ thuộc vào tổng cầu thế giới trong khi nhu cầu của thế giới vẫn đang giảm sút và chưa biết khi nào mới phục hồi.

“Chúng ta có thể làm ra được hàng xuất khẩu, nhưng thị trường có mua không? Họ có đặt hàng để ta sản xuất, xuất khẩu không? Điều đó không phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta chỉ chủ động được 50% là khả năng sản xuất, 50% còn lại phụ thuộc vào đối tác nhập khẩu”, ông Kiên nhấn mạnh.

Với định hướng quay trở lại thị trường trong nước, vừa qua Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã đưa ra khuyến nghị cần đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Hiện nay quy mô tiêu dùng cá nhân của Việt Nam tương đương gần 82% GDP và đóng góp 11,87% GDP của năm 2019. Theo đó, nếu tiêu dùng cá nhân tăng 1% thì sẽ giúp GDP năm 2020 tăng trưởng thêm 0,12 điểm %. Cơ quan này khuyến nghị nên nghiên cứu tập trung kích thích vào một số ngành, lĩnh vực có liên quan mật thiết đến tiêu dùng như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống…

TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, trong bối cảnh mà nền kinh tế cần hỗ trợ mạnh hơn, chúng ta phải chấp nhận thâm hụt ngân sách trong năm nay sẽ ở mức trên 5%, bởi phải cứu việc làm, cứu doanh nghiệp. Đây cũng là động thái nhằm nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai, trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái như thế này. Cùng với đó, Chính phủ có thể hỗ trợ theo hướng kích thích cầu. Chẳng hạn, kích thích cầu du lịch đối với người dân bằng cách trợ giá vé may bay, DN bán vé giá 2 triệu đồng thì nhà nước bù lỗ 500.000 đồng, khi đó sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ công bằng và đúng đối tượng hơn, đồng thời lại kích thích được nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Một giải pháp khác cần tập trung là phát huy thế mạnh của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội và TP.HCM bởi hai thành phố này hiện đóng góp khoảng 39% GDP cả nước. Vì vậy, nếu hai thành phố phấn đấu kinh tế tăng trưởng thêm 1 điểm % thì sẽ giúp GDP cả nước năm 2020 tăng trưởng thêm 0,39 điểm %.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả