Kích hoạt tín dụng tiêu dùng hậu Covid-19: Tăng trưởng thận trọng, đón sóng phục hồi
Kích hoạt tài chính tiêu dùng là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, công ty tài chính tiêu dùng vẫn giữ quan điểm phát triển thận trọng, giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
“Bão” Covid-19 bắt đầu lan đến tài chính tiêu dùng
Chưa có con số cụ thể, song ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, 4 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 1,2%. Tăng trưởng tín dụng hầu hết các lĩnh vực đều yếu, gồm cả tín dụng tiêu dùng.
Cụ thể, HD SAISON cho biết, dư nợ 3 tháng đầu năm 2020 của Công ty tăng 4,9%, cao hơn kế hoạch đề ra. Bóc tách báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất của MBBank cho thấy, dư nợ cho vay tiêu dùng của Mcredit tính đến cuối quý I/2020 là trên 10.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với dư nợ gần 9.000 tỷ đồng cuối năm ngoái.
Công ty tài chính chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng là FE Credit tiếp tục tăng trưởng về cả dư nợ lẫn số lượng khách hàng mới. Tính đến cuối tháng 3/2020, dư nợ cho vay của Công ty đạt gần 61.600 tỷ đồng, tăng 16% so với quý I/2019; lợi nhuận trước thuế đạt 918 tỷ đồng, tăng 20% so với quý I/2019.
Đương nhiên, tác động của Covid-19 với công ty tài chính có thể rõ ràng hơn trong những quý tới, khi số lượng khách hàng không trả nợ đúng hạn tăng lên, trích lập dự phòng dâng cao. Các gói hỗ trợ người vay được thực hiện từ quý II/2020 cũng sẽ khiến thu nhập của các công ty bắt đầu hao hụt.
Mặc dù vậy, khả năng “vỡ nợ” tài chính tiêu dùng ở nước ta rất khó. Lý do là, các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam có sự hậu thuẫn về tài chính rất lớn từ ngân hàng mẹ và các cổ đông lớn nước ngoài. Thời gian qua, nhiều công ty tài chính đã nhanh nhạy chuyển đổi số, đẩy mạnh cho vay trực tuyến, phát triển thẻ tín dụng…, nên doanh số vẫn tiếp tục tăng trưởng trong mùa dịch. Ngoài ra, quản trị rủi ro của các công ty tài chính Việt Nam hiện khá tốt.
Số liệu cho thấy, trong quý I/2020, nợ xấu của khối công ty tài chính chưa có dấu hiệu tăng mạnh. Thậm chí, tại một số công ty, tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu giảm xuống. Đơn cử, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit theo chuẩn Việt Nam vào cuối quý I/2020 là 4,4%, giảm so với mức 5,8% cùng kỳ năm 2019.
Dư địa rất lớn, nhưng thận trọng tăng trưởng
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, dù Covid-19 ảnh hưởng nhất định đến tài chính tiêu dùng nước ta, song dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn. Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ nền kinh tế, trong khi tại nhiều quốc gia, con số này là 40%. Như vậy, dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng ở nước ta vẫn còn khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng và còn tăng theo mức tăng của tổng tín dụng nền kinh tế.
Tín dụng tiêu dùng tăng trở lại góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế. Kinh tế phục hồi cũng là cơ hội để các công ty tài chính tiêu dùng lấy lại tốc độ tăng trưởng như những năm trước đây.
Thực tế, lĩnh vực cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, nhiều tập đoàn tài chính hùng mạnh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản… đang tìm mọi cách sở hữu công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam, như Shinhan Card, Lotte Card, Hyundai Card, Shinsei Bank…
Ngân hàng MSB đã đàm phán xong với đối tác và đang chờ NHNN chấp thuận hồ sơ chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của Công ty Tài chính FCCOM cho Công ty TNHH Hyundai Card. Trước đó, SHB cũng cho biết, sẽ thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.
Tiềm năng lớn cộng với nền kinh tế nước ta bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường mới sau Covid-19 đang mở ra triển vọng tích cực với hoạt động cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ quay lại bất cứ lúc nào, các công ty tài chính cho biết, sẽ thực hiện chiến lược tăng trưởng thận trọng.
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho hay, trước mắt, Công ty sẽ tập trung vào khách hàng hiện hữu, thay vì thu hút khách hàng mới như giai đoạn trước. Đồng thời, với tăng trưởng thận trọng, Công ty đặt mục tiêu nỗ lực tái cấu trúc và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Chiến lược trên của các doanh nghiệp, theo giới chuyên gia, là hợp lý. Việc tăng trưởng thận trọng, an toàn là yếu tố cốt lõi để công ty tài chính tăng trưởng mạnh trở lại một khi dịch bệnh được hoàn toàn khống chế, đồng thời giúp thị trường phát triển an toàn, không rơi vào tình trạng đổ vỡ.
“Tiềm năng tài chính tiêu dùng ở nước ta còn rất lớn, song trong bối cảnh lao động thất nghiệp chưa giảm, nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, cần “kích hoạt” thị trường tài chính tiêu dùng một cách thận trọng, vừa bảo vệ người đi vay, song cũng phải bảo vệ cả người cho vay, chống tín dụng đen, giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế khuyến cáo.
Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển trong thời gian tới, trước hết, Chính phủ cần khẩn trương giải ngân gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (ước khoảng 700.000 tỷ đồng). Các công ty tài chính tiêu dùng nên đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ kéo dài hơn so trước đây.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần chấn chỉnh hoạt động cho vay cầm đồ, xử lý mạnh cho vay nặng lãi, gỡ các app cho vay trực tuyến trá hình tín dụng đen… để tạo môi trường lành mạnh cho tài chính tiêu dùng phát triển bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận