Kích hoạt các động lực để phục hồi kinh tế
Các động lực tăng trưởng đã sẵn sàng, nhưng mức độ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc rất lớn vào lộ trình thích ứng, sống chung an toàn với Covid.
Nhìn từ du lịch
Ngay sau Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế để thực hiện Nghị quyết này, nhiều địa phương trên cả nước cho biết đang xây dựng phương án, kế hoạch đón khách du lịch trở lại. Về phía các doanh nghiệp du lịch cũng cho biết họ đã sẵn sàng, trên tinh thần các địa phương mở cửa “an toàn” đến đâu, doanh nghiệp sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt để mở các tour du lịch đến đó. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi ở các tỉnh thành sau nhiều tháng dài “ngủ đông”, đến nay cũng đang tiến hành các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, sửa sang để đón khách trở lại…
Dù quá trình hồi phục ngành du lịch sẽ không thần tốc và dễ dàng khi đại dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng sự phục hồi của ngành du lịch trong những tháng cuối năm này dù ít hay nhiều cũng giúp cải thiện đóng góp của ngành dịch vụ nói chung vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời mở ra triển vọng phục hồi nhanh và mạnh hơn trong năm sau.
Mong mỏi phục hồi và sự chủ động của ngành du lịch (một trong những ngành chịu tác động thiệt hại nặng nề nhất của đại dịch Covid) trong lộ trình thích ứng, sống chung an toàn với Covid cũng phản ánh tinh thần chung của tất cả các ngành khác. Tất cả đã sẵn sàng cho sự trở lại. Trong khi tăng trưởng của ngành nông nghiệp cơ bản giữ được đà tích cực của 9 tháng vừa qua và sẽ tiếp tục được duy trì thì công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi mạnh, qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn. Ngoài ra, đầu tư công nếu được thực hiện kiên quyết, giải ngân tốt cũng là động lực quan trọng giúp cho tăng trưởng phục hồi.
Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho rằng, các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong quý IV này sẽ đến từ đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng. Cùng quan điểm này, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn KTVM, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đầu tư công là một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng hiện nay bởi trong bối cảnh còn nhiều bất định và bấp bênh, các khu vực tư nhân sẽ chưa thể sớm đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hai kịch bản tăng trưởng được TCTK dự báo cho năm nay là 2,5% và 3%. Ông Lê Trung Hiếu cho biết, để đạt mức 2,5% thì tăng trưởng quý IV này cần đạt 5,3%; trong khi đó để đạt mức 3% thì quý IV này cần tăng khoảng 7,1%. “Mức tăng 7,1% trong quý IV dù vẫn có thể đạt được nhưng là rất khó khăn. Trong khi đó, mức tăng 5,3% khả năng cao sẽ đạt”, ông Lê Trung Hiếu nêu ý kiến cá nhân về khả năng tăng trưởng GDP năm nay.
GDP năm nay tăng trưởng trong khoảng 2% đến 2,5% cũng là dự báo được các tổ chức như WB và một số tổ chức khác… đưa ra trong báo cáo cập nhật mới nhất. Cao hơn một chút, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng ở mức 2,7%. Trong khi đó, báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) vừa công bố của IMF dự báo tăng trưởng 3,8%.
Thúc đẩy tốt các động lực
Theo các chuyên gia, tăng trưởng phục hồi ở mức nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào lộ trình thích ứng, sống chung an toàn với Covid. Trong đó, các giải pháp để thúc đẩy được các động lực của nền kinh tế sẽ đóng vai trò rất lớn để giúp tăng trưởng kinh tế đạt được mức cao nhất có thể.
“Cần sớm ban hành Chương trình phục hồi kinh tế "đa mục tiêu" và khai thác các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, Chính phủ cần ban hành Khung chương trình phục hồi kinh tế để các bộ, ngành, địa phương nhất quán xây dựng và thực hiện. Chính phủ cũng cần có kế hoạch, lộ trình mở cửa rõ ràng, khả thi để doanh nghiệp, người dân có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh”, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị.
Quan trọng hơn, điều này cũng rất phụ thuộc vào việc các địa phương sẽ thực thi chủ trương và các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn thích nghi an toàn y tế như thế nào. Nói cách khác, các chuyên gia rất lo ngại nguy cơ vẫn tồn tại tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa chính sách, chỉ đạo của Chính phủ với việc thực thi triển khai của các địa phương. Lo ngại này không phải không có cơ sở.
Một ví dụ rất rõ là mặc dù Nghị quyết 128 được ban hành từ ngày 11/10 (trong đó đã nêu rất rõ yêu cầu “không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội”; tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19) và ngay sau đó Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chi tiết về chuyên môn, nhưng cho đến nay (ngày 15/10), vẫn còn một số địa phương chưa ban hành hướng dẫn cụ thể trong xác định tỉnh, thành phố của mình thuộc cấp độ dịch nào. Trong khi đó, một số địa phương có điều chỉnh nhưng vẫn duy trì các chốt cửa ngõ ra vào, thậm chí tăng thêm cấp độ dịch (so với 4 cấp của Bộ Y tế), hay vẫn áp dụng yêu cầu cũ về cách ly y tế, yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2… Tức là một số địa phương vẫn “đưa ra “yêu cầu con”.
Những thực tế trong thực thi như vậy một mặt cho thấy, các địa phương muốn bảo vệ thành quả chống dịch của mình, nhưng đồng thời cũng thể hiện tư duy “Zero Covid” vẫn ngự trị. Mà như vậy, tình trạng cục bộ, cát cứ e rằng chưa thể chấm dứt và sẽ rất khó để chúng ta có được trạng thái bình thường mới - thích ứng an toàn với Covid trên cả nước mà Chính phủ đang theo đuổi. Chậm triển khai thực thi hay triển khai trái với các chỉ đạo của Chính phủ từ các cấp cơ sở hoàn toàn có thể khiến kinh tế lún sâu hơn trong khó khăn và càng khó để phục hồi nhanh như kỳ vọng. Vì vậy, dù các động lực của tăng trưởng vẫn còn đó nhưng quan trọng hơn là cần thay đổi tư duy để hành động nhanh, có như vậy mới giúp các động lực thực sự phát huy được hiệu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận