Kích cầu tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác. Do đó, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn
Theo Kinh tế & Đô thị, báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường hàng hóa trong nước tháng 10/2023 đã sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng vào giai đoạn chuyển mùa.
Các hệ thống phân phối bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng trong dịp lễ hội cuối năm nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng tại các tỉnh miền Trung, do ảnh hưởng của mưa bão khiến nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, vận chuyển khó khăn nên nguồn cung giảm khiến giá rau xanh, củ, quả các loại có xu hướng tăng cao. Giá các loại thóc, gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tăng trở lại.
Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá điều chỉnh theo giá thế giới; giá các mặt hàng khác không có nhiều biến động.
Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đang xây dựng Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Giáp Thìn 2024 nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất với giá cả bình ổn.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, sở đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng ít nhất 30% ngoài kế hoạch của TP giao. Khi nhu cầu thị trường tăng cao có thể gây ra tình trạng tăng giá đột biến.
Do đó, Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy, hải sản...
Còn tại Tp.HCM, theo báo Tin tức, ngay từ tháng 4/2023, Sở Công Thương đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia, khối lượng hàng bình ổn giá chiếm từ 23 - 31% nhu cầu thị trường.
Để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, từ tháng 7/2023, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng. Đây được coi là giải pháp giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi vì giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.
Với ngành hàng điện tử, đồ gia dụng, các đơn vị kinh doanh bắt đầu tung ra thị trường các sản phẩm có giá khuyến mãi hấp dẫn để tăng doanh thu. Đại diện Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn chia sẻ, mùa kinh doanh cuối năm được xem là cơ hội “vàng” để siêu thị bứt phá doanh thu. Hiện siêu thị đã tăng lượng hàng hóa gấp đôi so với bình thường và áp dụng khuyến mại từ 30% - 50%.
Nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh tuyên truyền “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” (từ 4/12/2023 - 10/1/2024) và “Tháng khuyến mãi năm 2023” (từ 20/10 - 20/11/2023). Theo đó, tỉnh triển khai, vận động các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, khẳng định uy tín thương hiệu với hình thức phù hợp, thiết thực.
Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hưởng ứng tham gia chương trình bằng các hoạt động ưu đãi, khuyến mãi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,… dành cho người tiêu dùng với các hình thức khuyến mãi được quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng trong đợt này là 100%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá từ nay đến cuối năm 2023 và đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng. Để kích cầu tiêu dùng, các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức khuyến mãi cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam.
Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo Kinh tế & Đô thị, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Điểm đáng ghi nhận, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí.
Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước. Bên cạnh đó, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp tục được triển khai tích cực là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Mặt khác, các Hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.
Từ những rủi ro, thách thức này, đòi hỏi ngành Công Thương theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra của ngành.
Theo các chuyên gia kinh tế, với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng nên thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để doanh nghiệp khai thác trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải giá cả cạnh tranh hàng ngoại nhập trong khi chất lượng tương đương.
Vì vậy, với nhiều doanh nghiệp để quay trở lại sân nhà đòi hỏi Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, xây dựng mối liên kết với nhà bán lẻ, qua đó kích thích tiêu dùng, khôi phục và ổn định kinh tế.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị, để doanh nghiệp đưa ra sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, Bộ Công Thương nên tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, qua đó doanh nghiệp có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục thuê mặt bằng, tổ chức các chương trình bình ổn giá, giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi…
Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp trong quá trình quay lại thị trường nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối hợp tác tiêu thụ với chuỗi bán lẻ. Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự giúp đỡ của cơ quan quản lý trong việc tạo mối liên kết xây dựng chuỗi tiêu thụ.
"Chỉ khi doanh nghiệp bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục. Do đó, muốn kích cầu thị trường nội địa cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận