24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kích cầu kinh tế hiệu quả - Thuốc chữa cần đúng người, đúng bệnh

Những chính sách hỗ trợ từ nhà điều hành không chỉ nhằm ổn định và điều tiết kinh tế trong điều kiện bình thường, mà còn được xem là phao cứu sinh cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng khi nền kinh tế gặp sự cố. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự hiệu quả khi hỗ trợ đúng đối tượng và đúng thời điểm, nếu không có thể sẽ tạo phản ứng ngược.

Từ đầu năm 2020, dịch cúm Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc và bắt đầu lan rộng ra các nước, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình y tế mà còn kéo lùi nền kinh tế các nước khi hầu như mọi con số đều cho thấy dấu hiệu của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Khi dịch bệnh chưa tìm ra giải pháp để kiểm soát và số người nhiễm bệnh cũng như tử vong vì virus Corona tăng theo cấp số nhân, khiến nhiều quốc gia hạ lệnh phong tỏa toàn quốc như Ý, Đan Mạch hay đóng cửa tất cả đường biên giới và cửa khẩu với các nước khác. Các biện pháp nhằm hạn chế tối thiểu khả năng lây bệnh vô hình trung tác động nặng nề vào kinh tế các nước.

Là nơi nắm giữ phần lớn nguồn cung và nguồn cầu hàng hóa của thế giới, khi Trung Quốc rơi vào thế “đóng băng”, đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đảo lộn, gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế, nhất là các nước giao thương với Trung Quốc.

Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy dịch bệnh này mặc dù đã có những biện pháp ngăn chặn rất quyết liệt ngay từ đầu. Những bất ổn cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu gặp khó khăn đòi hỏi sự trợ giúp từ nhà điều hành.

Tuy nhiên, không một chính sách nào được xem là hoàn hảo hoàn toàn và chỉ đem lại mặt tích cực cho nền kinh tế, có chăng lựa chọn đó là chính sách được đưa ra kịp thời cho người cần hỗ trợ trong bối cảnh ít rủi ro nhất.

Vết xe đổ từ gói kích cầu năm 2009 là một bài học đắt giá vẫn còn nguyên giá trị. Bài toán đặt ra hiện nay là làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh với chi phí không quá cao mà không gây ra lạm phát. Và chính sách tiền tệ luôn được lựa chọn ưu tiên hàng đầu để điều tiết thị trường vì nó giải quyết được yêu cầu đặt ra với tình hình thực tế dịch Covid-19 đã gây ra: Không có nguồn nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp, cung không đủ cầu trong khi người dân tăng tích trữ nhu yếu phẩm, đẩy giá cả leo thang. Vì mục tiêu cơ bản của chính sách tiền tệ là tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, ổn định lãi suất, ổn định thị trường tài chính, ổn định thị trường hối đoái và có nhiều công cụ để thực thi.

Kích cầu phải kịp thời

Vừa qua, trong Chỉ thị 11 được Chính phủ ban hành về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19, gói hỗ trợ tín dụng 250,000 tỷ đồng được tung ra để hỗ trợ các doanh nghiệp qua hình thức rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi vay.... đối với các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Vì gói tín dụng này được hình thành trên mục tiêu hai bên cùng có lợi, chính sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nguồn tiền không hình thành từ ngân sách Nhà nước như trước đây, do đó cung tiền không tăng lên, bản chất sẽ không thể tạo ra lạm phát trong ngắn hạn.

Thêm vào đó, các ngân hàng dùng chính nguồn tiền của mình huy động được để hỗ trợ, vì thế sẽ không có tình trạng ngân hàng giữ lại lượng tiền nhận được từ Ngân hàng Nhà nước để dự trữ thay vì mang đi cho vay như trường hợp gói nới lỏng định lượng (QE) lần đầu được thực hiện tại Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Khi các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giãn nợ, giảm lãi, cũng chính là đang tự tìm lối thoát cho mình, vì khi dịch bệnh tăng cao, doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh được, không có khả năng trả nợ, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ xấu, khiến chính bản thân các ngân hàng thương mại cũng gặp vấn đề trong thu hồi nợ, ảnh hưởng đến lợi nhuận của mình. Cập nhật số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 04/03/2020, ước tính có khoảng 926,000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14.27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD đã báo cáo, và chiếm khoảng 11.3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Một ưu điểm nữa, khi các doanh nghiệp có thêm tiền từ các khoản vay, sản xuất trở lại và mở rộng kinh doanh, sẽ phải thuê thêm lao động, giúp giảm bớt vấn nạn thất nghiệp do tình trạng công ty đóng cửa hoặc buộc phá sản do không có khách hàng.

Nhưng cần đúng đối tượng

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 04/03/2020 đã có thêm 15 ngân hàng tham gia chương trình miễn/giảm phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500,000 đồng trở xuống, nâng tổng số ngân hàng tham gia miễn/giảm phí lên 32/45 ngân hàng thành viên của CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Qua đó, toàn hệ thống ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch an toàn qua các kênh ngân hàng điện tử Internet Banking, Mobile Banking hoặc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Gói kích cầu có mang lại hiệu quả không, còn phải xem sự gia tăng chi tiêu của người dân tăng hay giảm, có đang hướng đến các mặt hàng, sản phẩm nội địa hay không. Để kích được cầu, thì nhóm đối tượng được hướng đến phải là nhóm có thể đáp ứng được chi tiêu ngay, làm đòn bẩy để làm tăng tổng cầu cho các sản phẩm trong nền kinh tế. Chính vì vậy mà gói kích cầu hỗ trợ tài khóa 30,000 tỷ đồng liên quan đến miễn, giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân đánh trúng vào tâm lý kích thích chi tiêu.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có những chủ trương hỗ trợ trực tiếp đối với những ngành, nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Chẳng hạn ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hàng không – du lịch – giao thông vận tải, các gói kích cầu du lịch nội địa được triển khai, đồng thời áp dụng một số biện pháp để thu hút khách quốc tế không đến từ vùng dịch, ví dụ như miễn thị thực tới hết năm 2020 đối với khách du lịch đi theo chương trình du lịch trọn gói.

Hay nhóm ngành xuất khẩu chính như nông nghiệp, dệt may, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương có giải pháp đẩy mạnh những vùng sản xuất trong nước, triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng nông sản để tăng sản lượng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ở nhóm ngành xuất khẩu vốn đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu như dệt may, da giày hay các nhóm ngành điện tử, Chính phủ cho biết sẽ có nhiều chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích sản xuất linh kiện, phụ kiện trung gian trong nước thay vì nhập từ nước khác.

Giải quyết được bài toán thanh khoản

Thêm vào đó, NHNN đang nghiên cứu, xem xét đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới, thông tin được Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại họp báo thông tin ban hành Thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19 của NHNN chiều ngày 12/03/2020.

Việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp các ngân hàng thương mại dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn của NHNN với chi phí thấp hơn, giúp giảm chi phí vốn cho nền kinh tế nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng. Giải quyết được bài toán thanh khoản, ngân hàng sẽ duy trì được chế độ lãi suất và tỷ giá thích hợp.

Khi lãi suất thấp, việc gửi tiền tiết kiệm sẽ không còn hấp dẫn nữa, người tiêu dùng có xu hướng tăng đầu tư, từ đó thúc đẩy chi tiêu khi các khoản vay và cho vay đều tạo ra nguồn tiền. Việc kích cầu chi tiêu giúp tránh được tình trạng dư thừa hàng hóa, tránh lặp vòng lẩn quẩn dư cung, thiếu cầu, sai thải, thất nghiệp, giúp nền kinh tế đối phó với khủng hoảng tài chính.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả