Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 3 tháng cuối năm 2021?
Tối ngày hôm qua tôi có làm một cuộc khảo sát trên story cá nhân. Câu hỏi được đặt ra là "5 tháng lockdown, tăng trưởng GDP quý 3 âm 6.17%. Vậy bạn có tin rằng Vn-index đóng cửa năm 2021 vượt 1450 hay không". Có gần 3000 bình chọn, kết quả là 75% trả lời là có, còn lại 25% không tin vào điều này.
Đây là bình chọn ẩn danh, không cần có lý do hay lập luận gì, nhưng qua những tin nhắn tôi xin tổng kết những lý do như sau. Về phe Bear:
- Kinh tế VN khó khăn lắm, không thể phục hồi được đâu.
- Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, đẩy giá hàng hóa lên cao, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao. Buộc NHNN phải tăng lãi suất, đây là những kẻ thù của CK.
- Khi nới lỏng giãn cách xã hội, dòng tiền sẽ bị rút ra khỏi chứng khoán để chuyển sang các kênh khác như phục vụ SX-KD, kênh BĐS.
- Nước ngoài bán ròng liên tục, chưa hề có dấu hiệu quay đầu.
- Phái sinh hoạt động làm ảnh hưởng xu hướng.
Còn phe Bull thì cũng có những lập luận như sau:
- Chính phủ Việt nam sẽ tìm mọi cách để giữ tăng trưởng, cho nên sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi trong quý 4/2021.
- Những điều xấu nhất của thời gian vừa qua đã được phản ánh vào thị trường. Bây giờ sẽ là kỳ vọng phục hồi.
- Rất nhiều doanh nghiệp niêm yết làm ăn có lãi, tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 4/2021.
- Dòng tiền vẫn đủ khỏe để tạo lên thanh khoản 1 tỷ $/ phiên. Chứng tỏ chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên.
Nếu bạn tin vào điều gì mà có lập luận riêng, thì đó đều là những điều có giá trị. Dù là nằm trong phe nào chăng nữa, nhưng điều quan trọng nhất là luôn phải bảo vệ đồng tiền đầu tư của mình, biết cách phát triển nó khi có cơ hội. Để làm được chúng ta nên xây dựng những kịch bản khác nhau, chuẩn bị sẵn những phương án đối phó khi xảy ra bất ngờ. Bên cạnh đó, tìm ra cho mình phương pháp đầu tư phù hợp, lên chiến lược mua, bán, nắm giữ hay phân bổ tỷ trọng tối ưu. Cũng chỉ còn chưa đầy 3 tháng là kết thúc năm 2021, tôi xin được trình bày các kịch bản về TTCK trong quý 4/2021.
- Kịch bản A: kinh tế VN phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 5%, đưa tăng trưởng cả năm 2021 lên dương 3.5%. Chính phủ đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế, trong đó có những chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đầu tư công, để giúp đỡ doanh nghiệp. Từ những nỗ lực này, sẽ hội tụ vào KQKD quý 4 cũng như cả năm 2021 của nhiều DNNY. Chỉ số EPS của thị trường sẽ tăng trưởng mạnh, dẫn đến P/E rất hấp dẫn. Dòng tiền vẫn tiếp tục ổn định, số tài khoản mở mới giữ ở mức trên 100k/tháng. Với kịch bản này tôi dự báo Vn-index sẽ đóng cửa năm 2021 ở vùng 1500. Tôi cũng đặt 70% xác suất xảy ra cho kịch bản này.
- Kịch bản B: Dù rất nỗ lực, nhưng khó khăn do dịch bệnh gây ra là quá lớn, kinh tế VN phục hồi chậm chạp. Năm 2021 tăng trưởng GDP chỉ đạt dưới 2.8%. Các DNNY có lợi nhuận ở mức vừa phải, ngang bằng hoặc suy giảm so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản có dấu hiệu đi xuống, chỉ đạt 15k-16k tỷ / phiên trên sàn HoSE. Nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh, một đi không trở lại. Trong kịch bản này Vn-index sẽ dao động tương tự như quý 3, tức là có những thời điểm tăng lên 1420, rồi lại giảm lại. Đóng cửa năm 2021 chỉ ở vùng 1350-1380. Xác suất cho kịch bản này tôi đặt là 20%.
- Kịch bản C: đây là kịch bản xấu nhất, đỉnh 1420 sẽ không còn được nhìn thấy trong năm nay nữa. Kinh tế phục hồi khó khăn, tình trạng mỗi địa phương một chính sách kéo theo hệ lụy manh múng, cản trở kinh tế và SX-KD. Số lượng DN phá sản tăng cao. Lạm phát quay trở lại, buộc NHNN không thể áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Dòng tiền có dấu hiệu rút ra khỏi hệ thống để phòng thủ vào các kênh giữ tài sản thụ động như vàng, tiết kiệm. Lợi nhuận của nhiều nhóm ngành trụ cột từ bank cho đến các mã Vn30 đều sút giảm. Với kịch bản này Vn-index sẽ đóng cửa quanh 1300, thậm chí có thể về đến 1250. Tôi đặt cửa cho kịch bản này là xác suất 10%.
Trong chứng khoán không tồn tại khái niệm 100% giống như mấy anh "Bạn của nhà cái" luôn khẳng định "5000% thị trường sẽ sập từ ngày 10/10/2021". Dù rất tự tin, dù có đủ lập luận có vẻ rất logic, nhưng CK luôn tạo ra những sự bất ngờ. Không một ai có thể khẳng định biết trước hay dự báo đúng bất kể là dài hạn hay ngắn hạn. Tuy nhiên, trong những giai đoạn nhất định, có thể tương đối rõ về một vài yếu tố định lượng như LN, kế hoạch kinh doanh, của một số DNNY. Từ những yếu tố quan trọng này, chúng ta có thể tính ra được biên lợi nhuận, EPS, P/E, của các doanh nghiệp tiêu biểu. Với những gì đang thể hiện, giả định P (giá thị trường) giữ nguyên (tức Index ở vùng 1350 này), thì EPS trailing tại thời điểm 31/12/2021 có thể tăng 15%. Có nghĩa là chỉ cần P/E giữ nguyên mốc 16.5 này, thì Vn-index sẽ hợp lý nhất ở vùng +15%, tương đương tăng 200 điểm, hay là con số 1550.
Kịch bản thị trường đã được tính toán, vậy câu hỏi cho chúng ta là nên làm gì? Nếu bạn đặt niềm tin vào kịch bản tốt, nên tìm cách nắm giữ, gia tăng thêm tỷ trọng khi thị trường rung lắc. Những nhóm ngành nên ưu tiên là VL (thép,đá), hàng hóa cơ bản (dầu khí, phân bón), Vận tải và cảng biển, Dịch vụ tài chính (bank, chứng khoán). Nhóm có thể tạo ra sóng lớn cần chú ý là Bất động sản. Nhưng như đã phân tích, vẫn có những xác suất xảy ra theo những kịch bản khác. Vì vậy chúng ta luôn cần cẩn trọng, phải Quản trị rủi ro danh mục thật tốt. Tuyệt đối không chạy theo trào lưu, mua cổ phiếu chỉ vì được "phím", mua chỉ vì nghe hô hào. Phải hiểu thật rõ trước khi xuống tiền, trọng số hơn trọng cung. Chứng khoán là một thị trường đòi hỏi rất nhiều kiến thức, từ kinh tế vĩ mô cho đến phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật. Cho nên luôn cần học hỏi, lắng nghe các ý kiến đa chiều, để có thể mang lại thành công và sự bền vững trong đầu tư.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận