24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sao Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kịch bản nào cho chứng khoán Việt năm 2021?

Sự tăng trưởng tốt của VN-Index trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19 là cơ sở để nhiều công ty chứng khoán đưa ra những nhận định lạc quan về diễn biến thị trường năm 2021.

Đại dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam từ cuối tháng 1/2020. Phản ứng của các nhà đầu tư trên toàn cầu đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy trên các TTCK. VN-Index chỉ trong 2 tháng sau đó đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm, với mức đáy 662,26 điểm.

Đến người lạc quan nhất cũng khó có thể tin vào sự hồi phục mạnh mẽ của VN-Index. Ấy vậy, chỉ số chuẩn đã gây bất ngờ với giới đầu tư khi không những hồi phục mạnh, mà còn tăng trưởng vượt mốc 1.100 điểm. Theo đó, chốt phiên 31/12/2020, chỉ số chuẩn đã lên mức 1.103,87 điểm, tức tăng trưởng gần 15% so với năm 2019.

Xét về vốn hóa, tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng (228 tỷ USD), tăng 523.594 tỷ đồng (11%) so với cuối tháng 11 và 910.187 tỷ đồng (20,8%) so với cuối năm 2019.

Trong đó, vốn hóa riêng sàn HOSE tăng 13,2% so với tháng 11 và 24,4% so với cuối năm 2019 lên mức hơn 4,08 triệu tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TTCK Việt tăng trưởng tốt nhờ việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản được giảm thiểu, nền kinh tế được phục hồi. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý TTCK cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp….

Ngoài ra, thời gian qua, TTCK còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguyên nhân khác. Đơn cử, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước 3 quý đầu năm có nhiều điểm sáng như: Xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát được kiểm soát. Triển vọng kinh tế nước ta trong quý IV được các tổ chức quốc tế đánh giá khá tốt (IMF, World Bank, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 1,6% - 3% trong năm 2020).

Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt các dự án quy mô lớn, trọng điểm sẽ có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung và phát triển các doanh nghiệp nói riêng.

Đặc biệt, với việc Kuwait được nâng hạng Emerging Markets, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong đợt phân loại lại thị trường MSCI Frontier Markets vào tháng 11, cũng sẽ là động lực thu hút dòng vốn từ các quỹ theo dõi chỉ số cận biên vào TTCK Việt Nam.

Một yếu tố khác phải đề cập đến là, các kênh đầu tư gửi tiết kiệm, đầu tư vàng trong thời gian qua trở nên kém hấp dẫn hơn do các ngân hàng giảm lãi suất và đà tăng của giá vàng chững lại, dẫn đến dòng tiền nhàn rỗi đã được đầu tư vào TTCK, góp phần tăng sức mua trên TTCK.

Bên cạnh những yếu tố nội tại trong nước, sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu trong quý III/2020 vừa qua cũng là một trong những động lực khiến TTCK Việt Nam tăng trưởng.

Tương tự, một số thành viên thị trường như VnDirect và KBSE nhận định, sự phục hồi của TTCK Việt Nam là đến từ các yếu tố như: Tiếp nối phục hồi ấn tượng của TTCK toàn cầu, chính sách nới lỏng tiền tệ và mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục đã kích thích dòng vốn trong nước đổ mạnh vào TTCK và thành công trong kiểm soát dịch COVID-19; Hiệp định thương mại tự do EVFTA được thông qua, cùng với kỳ vọng vào khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI; và kỳ vọng vào hiệu quả của các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ bao gồm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, giảm thuế.

Một yếu tố không thể không nhắc đến là dòng tiền "F0". Cụ thể, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886 tài khoản; trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản. Thanh khoản thị trường ghi nhận những kỷ lục với khoảng 1 tỷ USD /phiên (gần 23.562 tỷ đồng) trên 2 sàn vào ngày 15/6/2020. Đáng chú ý, bất chấp HOSE liên tục gặp nghẽn lệnh, nhưng tất cả 23 phiên của tháng 12 thị trường đều đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên.

Động lực tăng trưởng của thị trường trong năm 2021

CTCP Chứng khoán SSI nhận định, tác động mô hình phục hồi chữ V trên toàn cầu có thể giúp Việt Nam tăng trưởng cao hơn, do Việt Nam đã trở thành trung tâm có tầm quan trọng hơn trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến chế tạo toàn cầu.

Báo cáo của SSI chỉ ra, chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý IV/2020 sẽ tăng 6,3% so với cùng kỳ, riêng tháng 12 tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong khi ngành sản xuất đạt tăng trưởng đáng kể ở mức 9% so với cùng kỳ. Điều này xác nhận cho sự phục hồi về mặt sản xuất đã quay trở lại mức trước khi có dịch COVID-19. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Khi tăng trưởng đầu tư công quay lại mức tăng trưởng bình thường, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI có thể trở lại vai trò dẫn dắt. Câu chuyện về tăng trưởng đầu tư công mạnh mẽ (hơn 40% so với cùng kỳ) chỉ khả thi trong năm 2020, tức là năm cuối của giai đoạn 5 năm.

Do đó, SSI dự báo tăng trưởng giải ngân đầu tư công năm 2021 sẽ khó có thể tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Chuyên gia từ SSI thông tin, nhiều công ty khu công nghiệp niêm yết trong nước cho biết, các khách hàng của họ đã hoãn kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong năm nay do hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2020 chỉ giảm 8,7% so với cùng kỳ (tổng vốn FDI đăng ký khoảng 21 tỷ USD theo giá trị tuyệt đối, thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ USD). Điều này khiến triển vọng cho năm 2021 đầy hứa hẹn về dòng vốn FDI.

Ngoài ra năm 2021, rất nhiều luật mới sẽ có hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác công tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường… Thứ hai là cải cách doanh nghiệp nhà nước, đây là bước cuối cùng khi hầu hết các doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa.

Năm 2021, SSI đánh giá nền kinh tế phục hồi nhờ sản xuất thành công vắc-xin COVID-19; chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng và tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại.

Vì vậy, SSI ước tính tăng trưởng tín dụng nằm trong khoảng 13% - 14% cho năm 2021, cao hơn ước tính năm 2020 (tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12%) và sát với năm 2018 và 2019 là hơn 13%.

Về phía KBSE, công ty này nhận định các yếu tố hỗ trợ thị trường trong năm 2021 sẽ trở nên nổi bật hơn, bao gồm: Chính sách tiền tệ nới lỏng toàn cầu và đồng USD suy yếu; kinh tế Việt Nam và thế giới phục hồi hậu COVID-19; triển vọng nâng hạng thị trường theo phân hạng của FTSE; và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Tuy nhiên, KBSE cũng đưa ra rủi ro trong năm 2021, đó là làn sóng COVID-19 mạnh lên làm trì hoãn kế hoạch mở cửa của các nước; thị trường đã tăng mạnh và rơi vào vùng định giá không còn quá hấp dẫn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng, đi kèm sự gia tăng nợ xấu ngân hàng; rủi ro bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ.

VnDirect đánh giá, tiềm năng tăng trưởng của VN-Index năm 2021 bao gồm: TTCK Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ Thị trường Cận biên sang Thị trường Mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/2021; TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021; và vắc-xin COVID-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến; và lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến.

Trong khi đó, MBS nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc với xu thế tăng dài hạn theo năm được xác lập trong chu kỳ 20 năm vừa qua; thanh khoản thị trường tăng nhờ dòng tiền mới, số lượng tài khoản mở mới tăng đạt gần mức đỉnh 2018. Mặt khác, MBS cũng kỳ vọng FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ đánh giá thường niên tháng 9/2021 và chính thức từ tháng 3/2022; MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ kỳ đánh giá tháng 6/2022.

Ngoài ra, MBS cũng nhận định những nhóm cổ phiếu đầu ngành lớn, hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế nội địa và còn định giá hấp dẫn như ngân hàng, tiêu dùng-bán lẻ, bất động sản, thép và dầu khí… nên được tập trung ưu tiên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả