Khủng hoảng nối khủng hoảng đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới
Hầu hết nền kinh tế hàng đầu thế giới, tiêu biểu như Mỹ, Trung Quốc... đạt tốc độ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Song xu hướng phục hồi này đang có dấu hiệu mất đà do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nguồn lao động nghiêm trọng.
"Chúng tôi không nhận được đơn đặt hàng mới nào tại hội chợ lần này, nhưng chúng tôi cũng đã lường trước được điều đó", Vicky Yang, chủ một công ty sản xuất túi xách ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), chia sẻ sau khi tham gia Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) diễn ra hồi tháng 10 năm nay.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhờ số thương nhân nước ngoài tham dự nhiều nhất và đạt doanh số giao dịch kỷ lục, Canton Fair thậm chí còn được mệnh danh là hội chợ thương mại quốc tế số 1 Trung Quốc và hàng đầu thế giới. Tại đây, tùy thuộc vào lợi thế của từng ngành và định hướng đối với nhu cầu thị trường quốc tế, hội chợ sẽ giới thiệu cho khách hàng các sản phẩm chất lượng cao với mức giá hợp lý.
Tuy nhiên, thái độ chán nản của những chủ doanh nghiệp năm nay tham gia Canton Fair, vốn là sự kiện diễn ra rất sôi động hàng năm, đã phần nào giúp nhiều người mường tượng ra được bối cảnh tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, dấu hiệu mất đà tăng trưởng không chỉ diễn ra ở riêng Trung Quốc mà còn ở cả những nền kinh tế lớn khác.
Đà tăng không ổn định
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chững lại trong tháng 7 và tháng 8, do tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu, cũng như những lo ngại về sự lây lan nhanh của biến thể Delta, theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 8/9.
Vào ngày 30/9, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng công bố kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ ở mức 4,9% trong quý III, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng theo quý thấp nhất của Trung Quốc kể từ tháng 3/2020.
"Sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa ổn định và không đồng đều. Ngay từ khi bắt đầu bước sang quý III, những rủi ro và thách thức trong và ngoài nước đã tăng lên", người phát ngôn của NBS Fu Linghui cho biết.
Trước đó, tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) hôm 14/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết tăng trưởng kinh tế cả nước có xu hướng chững lại trong quý III. Song, ông vẫn tự tin Trung Quốc đủ khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6% cho cả năm 2021.
Khủng hoảng nối khủng hoảng
Trong cùng thời điểm, hàng loạt quốc gia và khu vực trên thế giới rơi vào tình trạng khan hiếm hoặc thiếu hụt năng lượng, điều này báo hiệu những thách thức lớn đối với tham vọng phục hồi hậu đại dịch của chính phủ các nước.
Câu hỏi đặt ra là liệu nguyên nhân có phải là do sự thiếu hụt năng lượng toàn cầu hay đơn giản chỉ là sự trùng hợp của các cuộc khủng hoảng khu vực? Thực tế diễn ra tại Trung Quốc, châu Âu, Anh và một số khu vực khác cho thấy có ít điểm chung trong vấn đề của các nước.
Cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc đã khiến cho nhiều doanh nghiệp đối mặt với những thách thức. Do tình trạng thiếu điện lan rộng khắp miền đông Trung Quốc trong những tuần qua, các cơ quan quản lý đã cắt điện đối với những hoạt động sử dụng nhiều năng lượng. Quy định của Bắc Kinh nhằm cung cấp điện cho dân thường là ưu tiên tuyệt đối, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản lượng hay thậm chí đình chỉ một số quy trình sản xuất không thiết yếu. Điều này giáng thêm đòn vào sản xuất công nghiệp vốn đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng lao dốc.
Cuộc khủng hoảng điện cũng lan rộng sang châu Âu. Chi phí sản xuất ở Tây Ban Nha đã tăng gấp 3 lần, phản ánh sự gia tăng đột biến hóa đơn điện trên toàn EU trong những tuần qua. Chi phí điện tăng cao đã làm dấy lên lo ngại về một mùa đông khó khăn ở phía trước, khi các hộ gia đình cần điện để sưởi ấm và đẩy mức tiêu thụ lên cao điểm theo mùa. Các doanh nghiệp Tây Ban Nha đang cảm thấy lo lắng nếu chính phủ có động thái cắt giảm nguồn cung điện cho các nhà máy, làm gián đoạn quy trình sản xuất và khiến các đơn đặt hàng bị chậm giao hàng.
Nước Anh mới đây đã phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Hồi đầu tháng 10, có khoảng 90% sản lượng của các trạm xăng là thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu của vương quốc Anh đã cạn nhiên liệu. Thậm chí, ẩu đả đã xảy ra tại các trạm đổ xăng khiến chính phủ Anh kêu gọi người dân bình tĩnh.
Nhưng vấn đề của Anh không phải là thiếu xăng, mà là thiếu các tài xế xe tải để vận chuyển nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu đến các nhà bán lẻ - một trong những "tác dụng phụ" của việc Anh rời EU. Điều này xuất hiện khi các tài xế bị hoãn cấp chứng chỉ và đào tạo lái xe tải trong thời kỳ đại dịch.
Để khắc phục tình trạng này, chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cấp thị thực tạm thời cho hàng nghìn tài xế xe tải nước ngoài để cung cấp nhiên liệu cho thị trường, đồng thời điều quân đội túc trực để giúp đỡ.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng lo ngại khan hiếm lao động tay nghề cao, trong khi tình trạng thất nghiệp ở thanh niên ngày càng cao. Nhiều doanh nghiệp ở các vùng duyên hải phía đông của nước này gặp khó trong tuyển dụng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người trong độ tuổi 16-24 tại khu vực này cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (5,1%).
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, các nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Quốc, nơi sản xuất hơn một nửa số iPhone trên thế giới, đã đối mặt với tình trạng thiếu hơn 200.000 lao động khi thời hạn ra mắt iPhone 13 đang đến gần.
Để thu hút hàng nghìn công nhân trong thời gian ngắn, các nhà máy Foxconn đã nâng mức tiền thưởng cho các lao động mới từ khoảng 9.800 nhân dân tệ (1.511 USD) vào tháng 7 lên hơn 10.000 nhân dân tệ nếu họ cam kết làm việc trong 90 ngày.
Nhìn chung, các nhà bán lẻ của Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự tuyến đầu. Điều đó có thể trở thành thách thức khi họ không thể thuê đủ nhân công thời vụ và mức lương theo đó có thể bị đẩy lên cao hơn.
Vào hôm 18/10, Amazon đã thông báo kế hoạch tuyển dụng 150.000 nhân viên thời vụ cho dịp lễ hội cuối năm trong bối cảnh sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tuyển dụng ngày càng khắc nghiệt.
Lợi nhuận doanh nghiệp bị ăn mòn
Đứng trước sự gia tăng lạm phát hậu đại dịch, một phần do các "nút cổ chai" trong chuỗi cung ứng và những khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động trên toàn cầu, các doanh nghiệp đang phải cố gắng cầm cự khi thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công và đứng trước nguy cơ phá sản.
"Cũng có rất khách nước ngoài đặt hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, nhưng chúng tôi rất thận trọng với các đơn hàng mới. Điều chúng tôi cần bây giờ là duy trì hoạt động của nhà máy", bà Yang chia sẻ.
Ngay cả với các đơn đặt hàng mới, bà Vicky Yang cho hay quản lý công ty cũng phải lựa chọn kỹ ra những đơn hàng phù hợp để đảm bảo tiến độ giao hàng và tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
"Dù sản lượng xuất khẩu của công ty chúng tôi trong năm nay sẽ tương đương với năm ngoái, lợi nhuận sẽ giảm đáng kể do giá nguyên liệu thô và nhân công tăng vọt", doanh nhân họ Chen chia sẻ.
Còn tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải tăng giá sản phẩm do biên lợi nhuận sụt giảm mạnh. Hồi tháng 9 vừa qua, tập đoàn thực phẩm Mỹ General Mills, nhà sản xuất ngũ cốc Cheerios, nêu lý do cho việc tăng giá bán là chi phí nguyên liệu và nhân công tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đã điều chỉnh kích thước và số lượng sản phẩm.
Nhà dữ liệu học Brian Johnson ở bang Oregon (Mỹ) cho biết gần đây ông nhận thấy nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp giảm trọng lượng sản phẩm thay vì tăng giá để tránh mất khách hàng. Tại Pháp, hộp kem Tillamook giảm 6 ounce, chỉ còn 48 ounce (từ 1,65 lít xuống còn 1,42 lít).
Giới chuyên gia đồng tình với những điều chỉnh nhỏ như vậy khi rõ ràng đây là một giải pháp ít gây chú ý hơn việc tăng giá. Chuyên gia về tiếp thị của Đại học Central Florida, Anand Krishnamoorthy, nhận định ngay cả khi chi phí sản xuất và nguyên liệu, các doanh nghiệp cũng không có lý do để sản xuất sản phẩm với khối lượng cũ.
Nhìn chung, doanh nghiệp trên thế giới đang trải qua những năm tháng đầy bất ổn. Khi dịch Covid-19 vẫn còn là nỗi lo ngại chủ yếu, sự thiếu hụt năng lượng cho sản xuất, chi phí nguyên vật liệu tăng vọt, thiếu hụt lao động lại càng khiến cho các nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới kiệt quệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận