menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ‘hồi sinh’ điện hạt nhân ở châu Á

Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đang loại bỏ các chính sách chống hạt nhân, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách xây dựng thêm các lò phản ứng để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện trong tương lai cũng như hạn chế lượng khí thải.

Châu Á đang hồi sinh ngành công nghiệp điện hạt nhân từng bị xa lánh một thời vì thế giới đang rơi vào khủng hoảng năng lượng. Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đang loại bỏ các chính sách chống hạt nhân, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách xây dựng thêm các lò phản ứng để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện trong tương lai cũng như hạn chế lượng khí thải. Ngay cả các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á cũng bắt đầu khám phá công nghệ nguyên tử.

Việc “hồi sinh” năng lượng hạt nhân diễn ra sau khi giá khí đốt tự nhiên và than đá, hai loại nhiên liệu hoá thạch được sử dụng để sản xuất phần lớn điện năng ở châu Á, lên kỷ lục năm nay trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang khuấy đảo thị trường nhiên liệu. Khi thế giới tìm cách cô lập nước xuất khẩu nhiên liệu lớn này, nguồn cung sẽ tiếp tục bị hạn chế và giá sẽ giữ ở mức cao trong tương lai.

Điều này khiến năng lượng hạt nhân trở nên hấp dẫn hơn đối với giới hoạch định chính sách và những công ty mong muốn kiềm chế được lạm phát, muốn đạt được các mục tiêu xanh cũng như muốn hạn chế phụ thuộc vào các nhà cung cấp năng lượng ở nước ngoài.

Không còn nỗi sợ từ thảm hoạ Fukushima

David Hess, nhà phân tích chính sách tại Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) cho biết: “Những yếu tố cản trở đang sụp đổ với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc. Các nhà máy điện hạt nhân hiện tại là nơi sản xuất ra loại điện rẻ nhất. Việc giá khí đốt tự nhiên tăng khiến những lợi thế về kinh tế của điện hạt nhân càng rõ ràng hơn”.

Đó là sự thay đổi đáng kể của ngành công nghiệp hạt nhân vốn đã trải qua vài thập kỷ bị phớt lờ vì chi phí quá cao, sự cạnh tranh lớn từ nhiên liệu hoá thạch rẻ hơn và các quy định nghiêm ngặt hơn. Việc trì hoãn các dự án hạt nhân lớn đã dẫn đến trường hợp phá sản của công ty tiên phong trong ngành này là Westinghouse Electric.

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ‘hồi sinh’ điện hạt nhân ở châu Á

Suốt nhiều thập kỷ qua, số lượng lò phản ứng hạt nhân xây mới chững lại do chi phí cao, quy định an toàn nghiêm ngặt và nhiên liệu hoá thạch rẻ hơn. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù điện hạt nhân đang hồi sinh trên khắp thế giới, từ Anh tới Ai Cập, song đáng ngạc nhiên nhất là ở châu Á, vì đây là khu vực từng chứng kiến thảm hoạ hạt nhân xảy ra ở Nhật Bản hơn một thập kỷ trước.

Tương lai của năng lượng hạt nhân vẫn còn tươi sáng cho đến tháng 3/2011, khi một trận sóng thần lớn tấn công nhà máy Fukushima Dai-Ichi ở Nhật Bản, dẫn đến thảm hoạ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Vụ việc khiến một số chính phủ bị thuyết phục rằng rủi ro của điện hạt nhân lớn hơn nhiều so với lợi ích của nó. Đức và Đài Loan (Trung Quốc) sau đó quyết định đưa ra thời hạn để đóng cửa các nhà máy hạt nhân của họ.

Còn hiện nay, khi hoá đơn tiền điện tăng và lạm phát cao do giá nhiên liệu hoá thạch tăng mạnh, các quốc gia lại tìm về năng lượng hạt nhân. Một nhà máy điện hạt nhân cần uranium để hoạt động mà đây lại là thứ đang có nguồn cung dồi dào. Chưa kể, khả năng sản xuất điện của nó là liên tục, không giống như các dự án năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.

Một yếu tố khác cũng giúp năng lượng hạt nhân hấp dẫn hơn là thế giới đã có những tiến bộ trong việc sản xuất công nghệ hạt nhân nhỏ hơn và rẻ hơn, như lò phản ứng module nhỏ (SMR). Cuối cùng, nó cũng có thể trở thành phương án thay thế để đối phó với biến đổi khí hậu.

“Những ý kiến phản đối vì nỗi sợ xuất phát từ thảm hoạ Fukushima không còn xuất hiện nhiều nữa, vì thế giới đã có cả một thập kỷ để nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ mới, còn các quốc gia châu Á lại đang phải đối mặt với những mối đe doạ nghiêm trọng hơn do tình trạng thiếu năng lượng gây ra”, ông Brandon Munro, CEO của công ty phát triển uranium Bannerman Energy, nói.

Làn sóng ủng hộ hồi sinh điện hạt nhân

Nhật Bản, nước vốn phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu để sản xuất phần lớn điện năng, có lý do để tuyên bố rằng họ sẽ nghiên cứu phát triển và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ kế tiếp. Đồng thời, họ sẽ thúc đẩy việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân từng ngừng hoạt động trước đây.

“Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thay đổi bức tranh năng lượng toàn cầu. Điện hạt nhân và năng lượng tái tạo là những thứ cần thiết để tiến hành quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói vào ngày 24/8. Đây là sự thay đổi hoàn toàn của Nhật Bản trong lập trường với điện hạt nhân, vì trong thập kỷ trước, họ từng khẳng định sẽ không xây dựng các lò phản ứng mới hoặc thay thế các lò cũ.

Dư luận Nhật Bản cũng đang bàn luận sôi nổi về công nghệ hạt nhân. Khoảng 58% người dân Nhật Bản ủng hộ việc khởi động lại năng lượng hạt nhân trong một cuộc thăm dò của Yomiuri được thực hiện vào đầu tháng này, ghi nhận lần đầu tiên tỷ lệ ủng hộ vượt tỷ lệ phản đối kể từ khi tờ báo này bắt đầu cuộc khảo sát vào năm 2017.

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ‘hồi sinh’ điện hạt nhân ở châu Á

Nhật Bản đang nỗ lực hồi sinh nhà máy điện hạt nhân hơn 10 năm sau thảm hoạ Fukushima. Ảnh: Bloomberg.

Một thay đổi tương tự cũng đang diễn ra ở Hàn Quốc. Các cử trị năm nay đã bầu ra một vị tổng thống ủng hộ điện hạt nhân, người muốn năng lượng hạt nhân chiếm 30% tổng sản lượng năng lượng. Đây là chính sách đảo ngược hoàn toàn kế hoạch bỏ lò phản ứng hạt nhân của chính quyền trước đó. Ông cũng tuyên bố sẽ đưa Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn về thiết bị và công nghệ hạt nhân, đồng thời tích hợp năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo để thúc đẩy kế hoạch giảm phát khí thải.

Cũng là quốc gia đang chật vật với đợt nắng nóng lịch sử gần đây dẫn đến tình trạng thiếu điện ở nhiều khu vực, Trung Quốc trong tuần qua tuyên bố sẽ đẩy nhanh các dự án điện hạt nhân và thuỷ điện. Quốc gia này đang trong giai đoạn xây dựng các lò phản ứng lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ và giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.

Trung Quốc có gần 24 GW công suất điện hạt nhân đang được xây dựng, 34 GW khác đang trong kế hoạch phát triển, theo dữ liệu của WNA. Khi tất cả hoàn thiện, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia sản xuất điện hạt nhân hàng đầu thế giới.

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ‘hồi sinh’ điện hạt nhân ở châu Á

Trung Quốc có thể trở thành quốc gia sản xuất điện hạt nhân hàng đầu thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Tại Ấn Độ, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử của Thủ tướng Narendra Modi cũng có bước tiến khi nhà sản xuất điện lớn nhất nước này đang tìm cách phát triển hai dự án điện hạt nhân lớn. Khoảng 70% sản lượng điện của quốc gia này được sản xuất nhờ than và 3% là từ hạt nhân, nhưng ông Modi đặt mục tiêu gấp ba số lượng này máy điện hạt nhân trong thập kỷ tới.

Ngay cả các quốc gia gặp khó về vốn ở Đông Nam Á cũng đang xem xét phát triển năng lượng hạt nhân. Tháng 7, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nói trước quốc hội rằng ông sẽ nghiên cứu xây dựng nhà máy hạt nhân để giảm chi phí điện năng và tăng cường nguồn cung điện. Trong khi đó, Indonesia lên kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên vào năm 2045, và đây là một phần trong mục tiêu tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 của chính phủ.

Quốc đảo Singapore đầu năm nay cho hay công nghệ địa nhiệt hay công nghệ hạt nhân thế hệ tiếp theo có thể chiếm 10% sản lượng điện của nước này vào năm 2050. Kế hoạch chi tiết dù còn chưa rõ ràng, song đây đã là một thay đổi lớn so với 10 năm trước khi quốc gia này kết luận rằng lò phản ứng hạt nhân không phù hợp để phát triển.

Không phải tất cả châu Á đều bị thuyết phục trước việc hồi sinh năng lượng hạt nhân. Đài Loan (Trung Quốc) vẫn không thay đổi quan điểm của họ về việc loại bỏ dần điện hạt nhân. Taipei Times đưa tin cơ quan kinh tế của Đài Loan (Trung Quốc) có kế hoạch đóng cửa dần các lò phản ứng hạt nhân đang ở giai đoạn cuối trong vòng đời 40 năm từ nay cho tới năm 2025.

Còn châu Âu là một minh chứng cho thấy ngay cả khi có một lượng lớn lò phản ứng hạt nhân thì không phải lúc nào nguồn cung điện cũng được đảm bảo. Pháp, một trong những nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu thế giới, đang phải vật lộn với tình trạng giá điện cao kỷ lục, một phần do các lò phản ứng ngừng hoạt động.

Trong khi đó, các dự án điện hạt nhân thế hệ kế tiếp như SMR sẽ mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, để xây dựng và hoàn thiện nên nó không thể ngay lập tức khắc phục được cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang công nghệ này từ bây giờ sẽ giúp thế giới tránh được những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc trong tháng 8 cho biết họ sẽ đầu tư 250 triệu USD vào công ty phát triển và thiết kế lò phản ứng hạt nhân TerraPower LLC được Bill Gates hậu thuẫn. Hồi tháng 3, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng đã đầu tư 110 triệu USD vào Nuscale Power, công ty đang phát triển các SMR.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
1 Bình luận 13 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại