Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 61 lô đất sẽ được đấu giá chọn nhà đầu tư
Sau khi rà soát và chấm dứt hợp đồng với một số khu đất đã giao cho nhà đầu tư trong dự án, hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 61 lô đất sẽ được tiến hành đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tại buổi họp báo do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 23/7, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi xung quanh các vấn đề “nóng” diễn ra trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây về quản lý dự án, xây dựng đô thị.
Trong đó nổi cộm là các vấn đề liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sắp xếp nhà, đất công sản, xử lý mùi hôi phát tán từ bãi rác Đa Phước…
Đẩy nhanh đấu giá đất Thủ Thiêm
Tại buổi họp báo, thông tin về tiến độ triển khai dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, sau khi rà soát và chấm dứt hợp đồng với một số khu đất đã giao cho nhà đầu tư trong dự án, hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 61 lô đất sẽ được tiến hành đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đấu giá trước 4 lô đất ở Khu chức năng số 3 (ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12) và đang được thẩm định giá khởi điểm.
Sắp tới thành phố sẽ đấu giá tiếp 9 lô đất ở Khu chức năng số 1, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của 2 lô đất để xây dựng Trung tâm Hội nghị triển lãm và khách sạn. Bên cạnh đó, với 6 lô đất trước đây giao cho Tập đoàn Vingroup, thành phố đã chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, sẽ tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Còn với những lô đất còn lại, thành phố sẽ đấu giá sau khi đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng xong.
Về việc sử dụng tiền đấu giá từ các khu đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, thành phố đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc mở tài khoản, khi có các nguồn thu ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ chuyển về tài khoản này để hoàn trả nợ vay (2.837 tỷ đồng), chi đầu tư cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội) và để hoàn trả khoản tiền mà thành phố đã tạm ứng từ ngân sách để chi cho công tác đền bù và lãi vay trong thời gian qua (26.316 tỷ đồng).
Trong khi đó, về vấn đề quản lý nhà, đất công sản, bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, hiện có 68 phương án sắp xếp nhà đất của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố đã được Bộ Tài chính phê duyệt với 2.000 địa chỉ nhà đất, trong đó có 112 địa chỉ có phương án bán.
Hiện nay Bộ Tài chính đang tổ chức hậu kiểm, sau khi có số liệu tổng hợp sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính và làm việc với Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 167) của thành phố.
Thay đổi công nghệ xử lý rác thải
Thông tin về các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại bãi rác Đa Phước hiện có 3 đơn vị đang hoạt động là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), 2 nhà máy xử lý bùn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình.
Theo ông Lê Trung Tuấn Anh, hàng năm vào thời điểm này thường xuất hiện mùi hôi ở một số khu vực. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các quận huyện liên quan (quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh) phối hợp với đơn vị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam nắm bắt thông tin phản ánh mùi hôi.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam đưa ra 10 giải pháp như bố trí trang phương tiện thiết bị đảm bảo thời gian xử lý chất thải nhanh nhất, bố trí các khu vực tiếp nhận rác đảm bảo độ cao thấp nhất có thể (tránh phát tán mùi hôi theo gió), thay đổi và điều chỉnh chất xử lý mùi, gia tăng che phủ tối đa…
Đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Hoà Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố yêu cầu tăng cường giải pháp xử lý rác công nghiệp, xử lý mùi, sắp xếp nhân sự, trang thiết bị, không để tồn rác thải ở các mặt bằng chờ xử lý.
Về lâu dài, các đơn vị đang chuyển đổi công nghệ chôn lấp sang công nghệ đốt rác phát điện. Hiện nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam đang thực hiện sàng lọc dự án, thẩm định công nghệ lò đốt, thực hiện hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ về thẩm định công nghệ.
“Thành phố cũng đã yêu cầu thực hiện đấu thầu dự án xử lý rác thải theo công nghệ đốt phát điện công suất 1.000 tấn/ngày. Hiện nay đang trong giai đoạn xây dựng quy trình đấu thầu theo hình thức PPP. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang làm việc với tỉnh Long An để xúc tiến giải pháp đầu tư công nghệ môi trường xanh để sớm đưa vào sử dụng dự án dự kiến sẽ xây dựng tại địa phương này,” ông Lê Trung Tuấn Anh thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận