menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Không thể lơ là với gian lận xuất xứ

Ngành gỗ đối diện nhiều nguy cơ rủi ro về gian lận xuất xứ

Tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam vẫn nóng và có nhiều diễn biến phức tạp. Thời gian qua hiện tượng này tái diễn nhiều lần ở nhiều nhóm hàng, cho thấy cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chống gian lận xuất xứ, trong khi DN

Gian lận xuất xứ ngày càng phức tạp

Số liệu từ Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm 2020 toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu.

Một vụ việc điển hình như trong các tháng đầu năm, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan 4 DN lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ thì cả 4 DN đều vi phạm. Cụ thể, DN nhập khẩu toàn bộ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác, hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa như sơn khung, càng, ghi đông…; in nhãn hiệu cho một số sản phẩm.

Chiếu theo tiêu chí chuyển đổi mã số và tiêu chí phần trăm của trị giá tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá, thì việc thực hiện các công đoạn này không đủ điều kiện để sản phẩm dán nhãn “Made in Vietnam”.

Đầu tháng 9, Cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện một DN có hành vi nhập khẩu tơ tằm Trung Quốc rồi “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Ấn Độ nhằm lẩn tránh thuế suất cao. Theo đó, DN này nhập khẩu tơ tằm thành phẩm từ Trung Quốc về cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, sau đó đưa hàng về kho nằm ngoài khu vực cảng mà không đưa về nhà máy sản xuất của DN. Tại đây, DN có hành vi thay đổi bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ Trung Quốc và gắn nhãn mác thể hiện xuất xứ Việt Nam lên sản phẩm để xuất khẩu đi Ấn Độ. Nếu mặt hàng tơ tằm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Ấn Độ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%; còn nếu xuất khẩu từ Việt Nam sang thì mức thuế suất chỉ còn 5%.

Hiện nay, ngành gỗ đang là ngành gánh đủ hậu quả khi bị Hàn Quốc áp thuế, Mỹ khởi kiện, đều do nghi ngờ từ việc vi phạm xuất xứ hàng hoá đối với các nhóm sản phẩm trong ngành này. Cụ thể, tháng 3/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức tiếp nhận đơn khởi kiện của Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng Hoa Kỳ. Nội dung là điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm đối với mặt hàng ván dán xuất khẩu từ Việt Nam do có nghi ngờ mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc. Tháng 5/2020, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với ván dán nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 9,18% - 10,65% để tiến hành điều tra.

Làm gì để phòng, tránh?

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá, chuyển tải bất hợp pháp vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện nhiều FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Đặc biệt, sau khi FTA giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, ngành hải quan xác định cần tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đã chỉ ra những nhóm hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao và khuyến cáo các DN xuất khẩu cần hết sức lưu ý, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; gỗ; sắt thép; dệt may, giày dép túi xách…

Một chuyên gia của Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị, bên cạnh việc tìm hiểu thông tin về thị trường nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá hay các tiêu chuẩn kỹ thuật, thì DN cũng cần nắm được các thông tin cụ thể về quy trình xác minh xuất xứ và các chế tài xử phạt có liên quan.

Theo đó, việc xác minh chứng từ xuất xứ có thể được thực hiện bất cứ khi nào bên nhập khẩu thấy nghi ngờ về tính xác thực của chứng từ xuất xứ. Khi đó, bên nhập khẩu sẽ yêu cầu bên xuất khẩu xác minh chứng từ xuất xứ có nghi ngờ. Kèm theo đó, mỗi FTA đều đặt ra quy định cụ thể về thời hạn lưu trữ hồ sơ phục vụ việc xác minh đối với từng nhóm đối tượng, ngành hàng riêng.

Đơn cử như EVFTA có quy định rất cụ thể về xác minh xuất xứ và các chế tài xử phạt khi vi phạm các vấn đề về chứng nhận xuất xứ. EU lại là khu vực rất nghiêm khắc về vấn đề này. Vì vậy, ngoài việc phải thực hiện đúng và đầy đủ việc khai báo xuất xứ, DN cần phải chú ý lưu trữ đầy đủ hồ sơ chứng từ xuất xứ để phục vụ cho việc xác minh xuất xứ nếu được yêu cầu. “Theo EVFTA thì nhà xuất khẩu phải lưu trữ bản sao chứng từ xuất xứ và các hồ sơ liên quan trong vòng ít nhất là 3 năm. Vì vậy DN cần lưu ý việc lưu trữ hồ sơ đảm bảo đáp ứng thời gian tối thiểu này”, vị này lưu ý.

Bên cạnh đó, các DN cần chú ý rằng nếu trong vòng 10 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền bên nhập khẩu gửi yêu cầu xác minh mà không nhận được phản hồi hoặc phản hồi không thoả đáng từ cơ quan có thẩm quyền của bên xuất khẩu, thì bên nhập khẩu có quyền từ chối cho hưởng ưu đãi đối với lô hàng có chứng nhận xuất xứ không xác thực.

Trong một số trường hợp, bên nhập khẩu có thể tạm dừng ưu đãi đối với toàn bộ sản phẩm liên quan, bất kể xuất xứ có thoả đáng hay không. Điều đó có nghĩa là tất cả lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA nữa. Do đó, DN cần chú ý tới việc lưu trữ hồ sơ thể hiện xuất xứ hàng hoá và sớm hợp tác với cơ quan chức năng trong trường hợp được yêu cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại