24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Không thể chỉ thuận tiện cho nhà nước mà đẩy rủi ro cho doanh nghiệp

Đó là lưu ý của Chủ tịch Quốc hội khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa 8 luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, sáng 8/12.

8 luật được đề xuất sửa tại luật này gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc này cũng đồng thời để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Ông Long cũng cho biết một số nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung lần này tại từng luật.

Với Luật Đầu tư công, một số nội dung được sửa theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODAvốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Luật PPP được sửa đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Luật Đầu tư được sửa để thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Đủ điều kiện trình Quốc hội

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến Thường trực các Ủy ban của Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật nói trên, tuy nhiên đề nghị Chính phủ làm rõ hơn một số nội dung, trong đó có nội dug sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu.

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật đặc biệt quan trọng,hồ sơ lần này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, cơ quan thẩm tra, có thể trình được Quốc hội tại kỳ họp bất thường.

Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý, đây là dự án luật được trình theo quy trình rút gọn (tại một kỳ họp) nên chỉ xem xét những vấn đề cấp thiết, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, tránh sửa đâu sai đó.

Lưu ý những vấn đề cần tiếp tục chỉnh lý, với Luật Đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết một số nhà đầu tư lo ngại trước quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Trong trường hợp cho phép thực hiện 1 số thủ tục trước mà sau đó thoả thuận không ký được hoặc ký khác đi thì có thể đẩy rủi ro cho các doanh nghiệp. Trường hợp này thì ai sẽ là người bù đắp chi phí cho doanh nghiệp, không thể thuận tiện cho nhà nước mà đẩy rủi ro cho doanh nghiệp , Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ, quy định cụ thể tại dự thảo Nghị định hoặc quy định ngay tại Luật để bảo đảm tính chặt chẽ về văn bản làm cơ sở cho các hoạt động thực hiện trước; phương án xử lý, trách nhiệm pháp lý phát sinh trong trường hợp kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt không phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế sau khi ký kết.

Có ý kiến cho rằng quy định tại dự thảo Luật chưa đủ để đẩy nhanh hơn công tác chuẩn bị đầu tư, qua đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình, dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; trong khi đó, chưa bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia đấu thầu trong trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế chậm hoặc không được ký kết, kế hoạch đấu thầu không phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế sau khi ký kết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả