Không thể cải tiến ‘chắp vá’, cần công khai giá bán lẻ điện bình quân từng bậc thang
Việc sửa biểu giá bán lẻ điện cần được lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, nhà khoa học và công khai giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt ở từng bậc thang, cách tính giá đảm bảo sự minh bạch về giá điện.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị như trên tại tọa đàm "Giá điện sinh hoạt: mức nào là hợp lý" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.Hà Nội tổ chức ngày 20-8.
TS. Ngô Đức Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện năng lượng, cho rằng theo quy định hiện nay giá điện bình quân đã được thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường, tính đủ các yếu tố chi phí đầu vào, có lãi để đủ điều kiện cho ngành điện hoạt động ổn định lâu dài. Do đó, nếu tăng mức giá bán lẻ điện bình quân theo ông Lâm là không đúng quy định, không có căn cứ khoa học.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng việc duy trì biểu giá điện bậc thang được quy định tại Luật Điện lực, với nguyên tắc đảm bảo phản ánh đủ chi phí cung ứng điện, tiết kiệm điện và có chính sách hỗ trợ cho người nghèo.
Cần biểu giá để tiết kiệm điện
"Những nguyên tắc này tạo ra yêu cầu tiêu dùng điện, tiết kiệm điện nên không thể để giá thấp, còn để thực hiện chính sách xã hội thì không thể để giá cao. Giá cũng phải phải góp phần thu hút đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, thúc đẩy thị trường cạnh tranh, thực hiện chính sách an sinh xã hội, khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm" - ông Thỏa nói.
PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia năng lượng, cho rằng mặc dù đã có nhiều cải tiến song cách tính hiện nay vẫn chưa áp dụng phương pháp phổ biến và hiện đại theo chi phí biên dài hạn, chưa xây dựng biểu giá hai thành phần là công suất và điện năng.
Việc điều chỉnh giá điện cũng mới chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất nhà máy thuỷ điện, giảm tổn thất, hạ giá thành của hệ thống điện, hiệu quả áp dụng thị trường cạnh tranh.
Vì vậy, sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc còn 5 bậc thang, cần nghiên cứu mức tăng vừa phải để vừa có lợi cho doanh nghiệp điện, người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Trước khi công bố cần có sự góp ý của các cơ quan, nhà khoa học, quản lý và có thẩm định của cơ quan có trách nhiệm về giá.
Cải tiến chính sách giá điện đòi hỏi minh bạch đầu vào
Ông Thỏa thì lại đề nghị không nên cải tiến biểu giá bán lẻ điện theo kiểu "chắp vá" như hiện nay mà phải nghiên cứu kỹ tất cả biểu giá. Trong đó, với biểu giá 5 bậc thang, cần đảm bảo không phá vỡ giá bình quân, giải thích rõ, công khai minh bạch cho người dân về vấn đề này.
Đặc biệt, cần công bố công khai giá bình quân và giá bình quân từng bậc thang, công khai tỉ lệ tính giá từng bậc với bình quân chung, và tỉ lệ tính giá từng bậc với giá bình quân của điện sinh hoạt.
"Cải tiến chính sách giá điện đòi hỏi minh bạch đầu vào, tuân thủ đúng quy định nhà nước là chỉ được hạch toán các chi phí liên quan, áp dụng giá thị trường, nhằm tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh, người tiêu dùng được chọn nơi cung ứng, chọn giá phù hợp" - ông Thoả nhấn mạnh.
Theo đó, ông cho rằng cần sớm sửa Luật Điện lực, chính sách giá điện làm cơ sở xây dựng giá theo thị trường cạnh tranh. Thực hiện chính sách xã hội ngoài giá, chứ không nên thực trong giá vì có thể làm méo mó, không phản ánh được quy luật giá trị và cung cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận