24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Không tạo áp lực trả nợ từ đầu tư công

Về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đánh giá khi trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngày 24/7.

Không tạo áp lực trả nợ từ đầu tư công
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công.

Vay đầu tư trong khả năng trả nợ

Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau; Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Một số ý kiến đề nghị giữ tổng mức vốn đầu tư công là 2,75 triệu tỷ đồng như đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV.

Về việc phân bổ cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm khác, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104.533 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

Trong đó, đối với 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2): đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, số vốn 119.806 tỷ đồng dành cho các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển về bản chất là số vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương. Như vậy, tổng số hỗ trợ cho các địa phương là quá cao, chưa phù quy định pháp luật.

Đối với dự kiến hoàn thành 1.700 km tuyến đường ven biển trong 5 năm, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS và các ý kiến trong UBTVQH cho rằng khó khả thi vì các tuyến đường ven biển đi qua nhiều cửa sông, cửa biển, địa hình phức tạp, tính kết nối chưa rõ.

“Bên cạnh đó, khả năng bố trí NSNN hoàn thành toàn tuyến đường chưa có cơ sở, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ nội dung này”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bố trí theo thứ tự ưu tiên của pháp luật. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là 4.979 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

“Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án). Bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông – Tây”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Lựa chọn phân bổ và các dự án cần đầu tư

Thảo luận ở tổ về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao quá trình quản lý và thực hiện đầu tư công của Chính phủ giai đoạn vừa qua và giai đoạn 2021-2025. Trong đó giai đoạn vừa qua qua đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, có trọng tâm trọng điểm, góp phần đẩy nhanh các dự án sớm hoàn thành, giải quyết cơ bản vấn đề nợ đọng.

Không tạo áp lực trả nợ từ đầu tư công
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường trong giai đoạn tới cần chú ý tỷ trọng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bởi thực tế giai đoạn vừa qua cho thấy các dự án PPP ko thực hiện được mà phải chuyển sang đầu tư công.

Qua đây cho thấy huy động các nguồn lực của xã hội chưa thành công, cần chú trọng hơn trong thời gian tới để huy động được các dự án PPP. Việc xây dựng các dự án PPP cần tốt hơn, vì chúng ta bị động, phụ thuộc vào các doanh nghiệp nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, rủi ro không khả thi.

“Chúng ta phải thực hiện các cam kết giữa nhà nước với nhà đầu tư để tránh tình trạng nhiều dự án PPP gây thiệt hại cho nhà nước, xã hội phản ánh”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý, kế hoạch thực hiện đầu tư công giai đoạn tới phải lựa chọn cơ cấu phân bổ và các dự án cần đầu tư, vì hiện đang có một số dự án chưa cấp bách và cần thiết để đầu tư công.

Đơn cử, dự án kết nối khu du lịch Tam Chúc – Bái Đính đang tồn đọng nay lại đưa vào. Vậy dự án này có thật sự cấp bách không, trong khi nhiều dự án cần thiết hơn?

Hay như việc phân bổ vốn cho Tổng Công ty đường cao tốc chuyển từ vốn vay sang vốn cấp phát không phù hợp với Luật đầu tư công. Hoặc một số dự án tôn tạo, cải tạo không phải trọng điểm quốc gia cũng đưa vào danh mục đầu tư.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) kiến nghị, Chính phủ cần xem xem lại việc cân đối nguồn thu. Cho dù Chính phủ đã giải thích nhưng đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận thấy áp lực trả nợ công năm 2021 và 2024 là rất lớn. Trong khi dự toán thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ngân sách địa phương khi giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân, thuế giảm thu, cổ phần hóa DNNN còn dư địa nhưng đây là nguồn thu không chắc chắn, khó bảo đảm.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, trong khi nguồn lực có hạn cùng với những tác động của dịch COVID-19 thì chúng ta nên lựa chọn các dự án mang tính cấp thiết, đơn cử như ưu tiên cho phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc, ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp cũng như bảo đảm an sinh cho công nhân tại các khu vực này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả