Không được phép công khai sao kê ngân hàng trái quy định pháp luật
Bình luận về việc một số nghệ sĩ công khai sao kê tài khoản ngân hàng trong thời gian vừa qua, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng đây là thông tin mật, không được phép công khai trái quy định của pháp luật.
Nóng từ khóa “sao kê”
Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao với từ khóa “sao kê” khi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bị yêu cầu sao kê tài khoàn ngân hàng đã quyên góp làm từ thiện trước đó.
Cuối tháng 5, mạng xã hội xuất hiện chứng nhận sao kê tài khoản của nghệ sĩ Hoài Linh. Sau đó, Hoài Linh thừa nhận chậm trễ giải ngân 14 tỉ đồng do nhà hảo tâm quyên góp cứu trợ miền Trung từ tháng 10/2020, đồng thời xin lỗi nhà hảo tâm, khán giả.
Khoảng tháng 6/2021, Hoài Linh mới gửi số tiền trên đến một số địa phương bị lũ lụt hồi tháng 10/2020. Để chứng minh đã chi hết tiền kêu gọi ủng hộ, Hoài Linh trưng ra các sao kê, chứng từ thu chi số tiền nhà hảo tâm cả nước đóng góp và nói rõ lý do chuyển khoản đi, các khoản lãi suất…
Chưa hết, cuối tháng 8 đến nay, trên mạng xã hội lại nổ ra tranh cãi “sao kê từ thiện” liên quan nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên - Công Vinh, Trấn Thành... Các nghệ sĩ này đều kêu gọi từ thiện với số tiền nhiều tỉ đồng.
Từ kinh nghiệm các chuyên gia hoạt động xã hội, tài chính có kinh nghiệm làm việc ở các quỹ từ thiện chuyên nghiệp tầm quốc tế, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng sao kê là việc phải làm, tuy nhiên đó mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình minh bạch tiền từ thiện.
Theo ông Long, nghệ sĩ chỉ “tạm coi là đúng” nếu có kế hoạch trước khi kêu gọi, thực hiện thu đúng kế hoạch, thực hiện chi đúng số tiền, đúng đối tượng, đúng thời gian, phải có hóa đơn chứng từ cho mọi giao dịch thu chi, có tổng kết - kiểm toán - giải trình.
“Có tới 99% nghệ sĩ Việt không làm đúng theo lý thuyết đó”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nói.
Ngân hàng phải bảo mật thông tin khách hàng
Liên quan đến quy định pháp luật về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, theo quy định hiện nay, ngoài chủ tài khoản và người được chủ tài khoản ủy quyền được yêu cầu sao kê tài khoản ngân hàng thì chỉ các cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép cụ thể mới có quyền yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản của người khác.
Cụ thể, theo Điều 10 về thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, Nghị định 117/2018/NĐ-CP, ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có 10 nhóm cá nhân của 10 nhóm cơ quan có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng nói chung, sao kê tài khoản nói riêng, gồm: cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp, điều tra viên các cơ quan điều tra, đơn vị nghiệp vụ, cơ quan thi hành án, cơ quan hải quan, cơ quan thuế và các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Tất cả cá nhân, cơ quan trên đều phải tuân thủ theo các trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định rất chi tiết. Chẳng hạn, Điều 9 về hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của Nghị định 117 quy định rõ văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải có các nội dung như căn cứ pháp lý; lý do, mục đích yêu cầu; nội dung, phạm vi thông tin…
Về lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể là để phục vụ cho mục đích thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo vệ an ninh quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Riêng đối với các trường hợp để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm toán, xử phạt hay khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì phải có văn bản liên quan kèm theo.
Cũng theo luật sư, trong bất cứ trường hợp nào, ngân hàng phải có trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng. Khách hàng có thể kiện nếu ngân hàng làm lộ thông tin. Nhân viên ngân hàng cung cấp thông tin không đúng quy định có thể sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, ngân hàng bị phạt từ 40 - 80 triệu đồng theo quy định tại Điều 47 về vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
“Trong trường hợp do hệ thống bảo mật chưa tốt, bị tin tặc xâm nhập, thì ngân hàng cũng vẫn phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, dù lỗi xuất phát từ nhân viên hay công nghệ thì cũng đều ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng và lòng tin của khách hàng”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cho biết thêm, cá nhân bên ngoài ngân hàng có hành vi làm lộ hoặc sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định cũng có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP.
“Việc công bố sao kê tài khoản của người khác mà không được họ đồng ý thì đó cũng chính là việc sử dụng thông tin của khách hàng không đúng quy định”, ông Đức nói.
Ngoài ra, nhân viên ngân hàng còn có thể sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo nội quy lao động. Nếu gây ra thiệt hại cho khách hàng thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.
Nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải công khai sao kê
Trước áp lực của dư luận khiến một số người nổi tiếng công khai hàng nghìn trang văn bản sao kê tài khoản liên quan tới hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, họ có bắt buộc phải công khai nội dung này?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức dẫn chững, khoản 2, Điều 14 về bảo mật thông tin, Luật các Tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị định số 117/2018/NĐ-CP nói trên đã quy định, ngân hàng và các cá nhân, tổ chức khác phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng. Như vậy, sao kê tài khoản của khách hàng là thông tin mật, không được phép công khai trái quy định của pháp luật.
“Còn bản thân người có tài khoản thì công khai hay không là quyền của họ, chứ không có nghĩa vụ phải công khai. Như vậy, xét dưới góc độ pháp lý, các nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải công khai sao kê tài khoản nhận tiền từ thiện”, ông Đức khẳng định.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân trong việc phải công khai, minh bạch hoạt động tiếp nhận và sử dụng các khoản tiền từ thiện.
"Như vậy, cá nhân làm đầu mối tiếp nhận tiền từ thiện có quyền quyết định thời gian, số tiền, cách thức trao tặng cho người nhận, trừ trường hợp có cam kết hoặc có thoả thuận cụ thể với các mạnh thường quân", ông Đức nói.
Theo lẽ thông thường nhất, người được gửi gắm lòng tin sẽ cố gắng tối đa việc công khai, minh bạch việc nhận và trao tiền từ thiện của mình để tránh mọi sự nghi ngờ, dị nghị từ mọi phía. Cần lưu ý rằng, việc sao kê chủ yếu là chốt được số tiền đã nhận vào và số tiền đã rút ra khỏi tài khoản, chứ hầu như không có ý nghĩa trong việc chứng minh việc sử dụng tiền từ thiện đúng hay sai và có bị thất thoát hay không.
Hành vi xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp sẽ bị xử phạt
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, đối chiếu quy định pháp luật thì ngân hàng không có nghĩa vụ phải giải trình những thắc mắc của cộng đồng mạng liên quan đến các bảng sao kê.
Mặt khác, về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP nêu rõ, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, với hành vi xúc phạm, ảnh hưởng đến hình ảnh của ngân hàng, theo luật sư Trương Thanh Đức, ngân hàng bị ảnh hưởng có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức đó xin lỗi, đăng tin cải chính. Nếu có thiệt hại thì phải bồi thường. Ngân hàng bị thiệt hại cũng có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính nếu cần.
Cụ thể, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, trường hợp ngân hàng chứng minh được mối quan hệ giữa việc tấn công của nhóm đối tượng quá khích dẫn đến tổn thất cho ngân hàng về tài chính thì ngân hàng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận