Không có cơ sở khẳng định SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thùng hàng thanh long?
Hiện nay, chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thùng hàng thanh long.
Tuy nhiên, trước khi có kết luận, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc rà soát lại các lô hàng kỹ lưỡng, tuân thủ đúng yêu cầu tiêu chuẩn mà hai nước ký kết trước khi vận chuyển lên cửa khẩu.
Liên quan đến vụ việc phía Trung Quốc vừa thông báo phát hiện virus
SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam, trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đang liên hệ với chính quyền huyện Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) nắm bắt tình hình vụ việc cụ thể.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc thời gian qua được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm dịch chặt chẽ. Kết quả 8 tháng đầu năm, lượng hàng nông sản xuất khẩu qua kiểm dịch thực vật đạt trên 200 ngàn lô hàng với khối lượng xấp xỉ 29 triệu tấn tăng 24,1% so với cùng ký năm trước. Trong đó trái cây tươi gần 42 ngàn lô với khối lượng trên 3,5 triệu tấn (tăng 35,6%), rau tươi hơn 6 ngàn lô với khối lượng trên 79 triệu tấn (giảm 32,4%) và gạo là hơn 10 ngàn lô với khối lượng 3,7 triệu tấn (giảm 19,6 %).
Đối với thị trường Trung Quốc, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đạt 19.941.622 tấn (tăng 38,2%) trong đó mặt hàng trái cây và gạo xuất khẩu tăng lần lượt là 3.426.152 tấn (tăng 39,4%) và 649.498 tấn (tăng 25,2%).
Hiện các xe chở thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc đều được kiểm tra.
"Chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thùng hàng thanh long. Tuy nhiên, trước khi có kết luận, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc rà soát lại các lô hàng kỹ lưỡng, tuân thủ đúng yêu cầu tiêu chuẩn mà hai nước ký kết trước khi vận chuyển lên cửa khẩu", đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho hay.
Sẽ khôi phục nhập khẩu?
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, trong tháng 8, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà khẩu và Thiên Bảo (tỉnh Vân Nam) với lý do trên. Điều này khiến thanh long trong nước rới giá mạnh, có thời điểm chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg.
Mặc dù, sau đó các Bộ ngành và các địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc (sau đó Trung Quốc đã mở cửa trở lại các cửa khẩu tại Vân Nam) nhưng những sự việc như vậy và vụ chính quyền huyện Đông Hưng (Trung Quốc) vừa tiếp tục thông báo tạm dừng nhập khẩu, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp và ngành thanh long trong nước.
Trước đó, ngày 16/9, chính quyền huyện Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng 7 ngày, từ ngày 15 đến ngày 21/ 9 do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của phía Đông Hưng, sau 23h ngày 21/9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm PCR) trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch COVID-19 của Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần đối với mặt hàng đó. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.
Xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Trung Quốc hiện ra sao?
Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu trái thanh long lớn nhất thế giới. Trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thanh long của nước này đạt 368,9 nghìn tấn, trị giá 336,3 triệu USD. Trong đó, Việt Nam là đối tác cung cấp thanh long lớn nhất, chiếm 99,99% tổng lượng thanh long nhập khẩu của Trung Quốc.
Diện tích các vùng trồng thanh long của Trung Quốc trong những năm gần đây đang tăng mạnh, khiến thanh long Việt tại thị trường này ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận