Khơi vốn vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Chủ đầu tư cần hoàn thiện các pháp lý đầu tư
Ngày 7 8, tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, NHNN, các NHTM lớn VietinBank, BIDV, Agribank và Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thảo luận để tháo gỡ một số khó khăn liên quan đến phương án đầu tư, phương án vốn đối với dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Tham dự cuộc làm việc, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa quan trọng đối với toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành Ngân hàng khẳng định sẽ đồng hành với dự án, đây không chỉ là quan hệ thương mại thuần túy còn là trách nhiệm xã hội, phát triển kinh tế của toàn vùng.
Mặc dù chủ trương của NHNN là hạn chế các NHTM đầu tư quá nhiều tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT... Tuy nhiên, với các dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội quốc gia như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì các NHTM sẽ luôn đồng hành, tài trợ đủ nguồn vốn để các địa phương, chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo, những NHTM đang ký hợp đồng thu xếp vốn cho dự án gấp rút làm việc với địa phương và chủ đầu tư. Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý liên quan đến hoạt động nghiệp vụ ngân hàng như tính toán cân đối nguồn vốn, cân nhắc các ưu đãi lãi suất cần báo cáo sớm với NHNN để tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ. Mục tiêu là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và đảm bảo tuân thủ tất cả những quy định pháp luật.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc. |
Ông Trần Văn Tần, Ủy viên Hội đồng quản trị VietinBank cho biết VietinBank - một TCTD đầu mối thu xếp vốn cho dự án - đã theo sát quá trình hoàn thiện các phương án đầu tư, phương án vốn từ lúc dự án bắt đầu. Trong thời gian qua, do các vướng mắc về pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư, thay đổi phương án thu hồi vốn, quy định lại tỷ lệ góp vốn của chủ đầu tư vào dự án… nên hợp đồng tài trợ vốn cần phải bổ sung hoàn chỉnh lại cho phù hợp với các quy định của pháp luật.
VietinBank cam kết theo sát, tài trợ đủ vốn như hợp đồng tín dụng đã được ký kết với dự án. Tuy nhiên, ông Tần cho rằng chủ đầu tư cũng cần đảm bảo có đủ 30% vốn cho dự án, bổ sung, tính toán cụ thể hơn đối với các phương án thu phí, thu hồi vốn. Chủ đầu tư phải cam kết ưu tiên trả nợ ngân hàng khi có doanh thu, tính toán, giải trình chi tiết các điều khoản liên quan đến hoạt động thu phí không dừng và bổ sung vào hợp đồng tín dụng.
96% mặt bằng đã giao cho chủ đầu tư Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tính đến thời điểm hiện nay tỉnh Tiền Giang đã bàn giao được 96% mặt bằng cho doanh nghiệp để thực hiện dự án. Nhưng thời điểm dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới chỉ thực hiện được khoảng 15% khối lượng công việc. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tại Thông báo số 99/TB-VPCP), dự án được giao cho UBND tỉnh Tiền Giang và địa phương đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi để tiếp tục triển khai thực hiện. Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, các vướng mắc pháp lý tồn tại trước đây ở dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng quy mô nhưng giảm tổng mức đầu tư theo tính toán của Bộ Xây dựng. Chênh lệch giữa lãi suất tín dụng và lãi suất vay vốn thực tế quá lớn. “Ngoài ra, việc phải loại bỏ các nhà đầu tư yếu kém và tính toán lại định mức hỗ trợ nguồn doanh thu cho phù hợp cũng khiến tiến độ dự án bị chậm trong thời gian dài”, đại diện BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nói. Theo đó, cho đến hiện nay, hầu hết các vướng mắc ở trên đã được các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp tháo gỡ về mặt pháp lý và đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện lại các pháp lý đầu tư cho phù hợp. Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, đến nay VietinBank, BIDV, Agribank và VPBank đều đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án này với tổng hạn mức 6.850 tỷ đồng (bằng 70% tổng mức đầu tư dự án) nhưng chưa thể giải ngân được, do nhiều nguyên nhân. |
Trong khi đó, đại diện BIDV cũng thống nhất chủ trương sẽ tiếp tục đầu tư dự án nhưng cũng lưu ý rằng sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư và các phương án kinh doanh, thu hồi vốn của dự án đã có sự thay đổi. Vì thế, chủ đầu tư cần phối hợp với tổ chức tín dụng thu xếp vốn để nhanh chóng bổ sung hoàn thiện các pháp lý đầu tư.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý đến cấu phần vốn ngân sách trong dự án bởi thông thường với các dự án BOT, việc chậm trễ phần vốn ngân sách ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình. Ngoài ra, các rủi ro về thu phí, thời gian hoàn vốn cũng cần có những cam kết để các NHTM có căn cứ mạnh dạn giải ngân.
Tiền Giang sẽ hoàn tất giao mặt bằng vào quý III Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đến nay địa phương đã rất tích cực trong việc giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Hiện nay, ngân sách địa phương đã chi ra khoảng 260 tỷ đồng phục vụ cho giải phóng mặt bằng. Trong quý III/2019, dự kiến sẽ hoàn tất bàn giao mặt bằng và hoàn thiện các pháp lý cần thiết để Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tiếp tục triển khai dự án. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận