Khối tự doanh “xả hàng”, nhà đầu tư cá nhân liên tục “đỡ”
Tháng 4.2021 là tháng thứ tư liên tiếp khối tự doanh trong nước duy trì xu hướng bán ròng, trong khi nhà đầu tư cá nhân liên tục mua vào.
Có thể nói, sức hút của thị trường chứng khoán đến nay vẫn còn rất lớn. Điều này đã phần nào thể hiện ở những con số tài khoản mở mới liên tục gia tăng. Cụ thể, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, cả thị trường đã có tới hơn 366.314 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới, bằng khoảng 93,3% tổng số lượng tài khoản mở mới của cả năm 2020.
Nhà đầu tư cá nhân liên tục rót vốn vào thị trường chứng khoán đã góp phần đẩy giá trị giao dịch trên thị trường đạt mức cao. Theo tính toán của NCĐT, bình quân trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 16.100 tỉ đồng/phiên, gấp hơn 2,5 lần con số bình quân của năm 2020, và tăng hơn 28,1% so với hồi đầu năm.
Theo số liệu cập nhật của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, khối tự doanh trong nước duy trì xu hướng bán ròng trong tháng thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực đỡ chính cho thị trường, nhưng sự hưng phấn của họ đang giảm nhiệt. Cụ thể, trong tháng 4.2021, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng với giá trị khá khiêm tốn, ở mức 3.780 tỉ đồng, chiếm một phần tư so với con số của tháng 3.
Mặc dù mua ròng trong tháng thứ 7 liên tiếp, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giảm giá trị mua ròng 80% so với tháng trước xuống còn 2.530 tỉ đồng trên sàn HOSE. Ngược lại, các nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm cả khối tự doanh các công ty chứng khoán) tiếp tục bán ròng 2.600 tỉ đồng trong tháng thứ tư liên tiếp.
Theo Maybank Kim Eng, nguồn tiền trong nước có thể đã bắt đầu tìm kiếm kênh đầu tư khác như đất đai (thị trường bất động sản ngoại thành Hà Nội, TP. HCM và một số thành phố cấp 2 đã nóng lên kể từ sau Tết) và vàng, thể hiện ở doanh số quý I/2021 của Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng 44% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu mua vàng miếng do nguy cơ lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng lạm phát vẫn có thể kiểm soát được và họ duy trì dự báo lạm phát trung bình ở mức 3,5% cho năm 2021 và 3,3% cho năm 2022, thấp hơn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước ở mức 4%.
Số liệu từ Maybank Kim Eng cũng cho thấy tiền gửi của khách hàng để giao dịch tại các công ty chứng khoán tăng nhẹ 6% theo quý trong quý I/2021 và 63% so với quý IV/2020.
Nhiều công ty chứng khoán đang đạt đến giới hạn cho vay. Tương tự như tiền gửi của khách hàng để giao dịch tại các công ty chứng khoán, mức tăng cho vay ký quỹ cũng chậm lại. Đồng thời, giới tài chính cũng lo ngại rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể hoãn việc phê duyệt kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán do rủi ro hệ thống chưa được giải quyết.
Cùng với đó, tình trạng tắc nghẽn lệnh trên sàn HOSE tiếp tục diễn ra trong tháng 4.2021. Sàn giao dịch bằng cách nào đó đã điều chỉnh hệ thống, nâng thanh khoản lên 30% và giúp VN-Index bứt phá trên 1.200 điểm và tăng lên 1.268 điểm vào giữa tháng 4.2021.
Tuy nhiên, Maybank Kim Eng ước tính rằng để VN-Index có thể bứt phá 1.300 điểm hoặc 1.400 điểm, hệ thống phải có khả năng xử lý 1 tỉ USD giá trị giao dịch mỗi phiên, điều này chỉ có thể thực hiện được sau khi FPT triển khai giải pháp chống tắc nghẽn, sớm nhất vào tháng 7.2021. Do đó, theo Maybank Kim Eng các vấn đề về thanh khoản có khả năng khiến thị trường giao dịch trong phạm vi 1.200 điểm và 1.300 điểm vào tháng 5.2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận