24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Lộc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khơi thông dòng vốn sạch

Các chuyên gia góp ý xây dựng quy định quản lý thị trường trái phiếu cần chặt chẽ nhưng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không tăng thêm thủ tục hành chính

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM:

Tập trung vào quy định cách thức phát hành

Việc ban hành chính sách kịp thời, tích cực đối với hoạt động ngân hàng (NH), cho phép các tổ chức tín dụng khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, vốn của NH đúng bản chất là đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Quy định của ngành NH đáp ứng quy định chung của Chính phủ về phát triển bền vững thị trường trái phiếu.

Khơi thông dòng vốn sạch

Bản chất thị trường vốn NH là đáp ứng vốn ngắn hạn là chính, do đó phát triển thị trường trái phiếu và thị trường vốn sẽ góp phần hỗ trợ, phát triển thị trường bền vững trong tương lai.

Tôi đánh giá tọa đàm của Báo Người Lao Động hết sức thời sự, xuất phát từ những vấn đề phát sinh trên thị trường trái phiếu thời gian qua. Các diễn giả đã phân tích, mổ xẻ, đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường tài chính nói chung tại TP HCM với mục tiêu xây dựng thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế.

Các ý kiến cũng đưa giải pháp cụ thể thiết thực để phát triển thị trường trái phiếu, hạn chế rủi ro, tập trung vào cách thức phát hành.

GS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:

Hoàn chỉnh thể chế, chính sách

Ở các quốc gia trên thế giới, thị trường trái phiếu DN thứ cấp khá đặc biệt vì nhà đầu tư cá nhân biết rủi ro nhưng vì lãi suất cao nên họ vẫn tham gia sau khi cân đối giữa rủi ro tài chính và lãi suất. Với Việt Nam, chúng ta cần có quy định để minh bạch hóa, xây dựng thị trường này phù hợp với bối cảnh trong nước và thông lệ quốc tế.

Khơi thông dòng vốn sạch

Thị trường trái phiếu của Việt Nam còn mới mẻ, nhà đầu tư chuyên nghiệp chưa nhiều. Do đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hoàn chỉnh thể chế, chính sách, nhất là sửa đổi Nghị định 153, quy định điều kiện được phát hành trái phiếu, do ở Việt Nam hầu hết là DN nhỏ và vừa. Đồng thời, cần phải quy định tỉ lệ giữa vốn vay/vốn chủ sở hữu, cân đối giữa vốn vay NH và vốn chủ sở hữu ở mức hợp lý.

Đặc biệt, nếu có xếp hạng tín nhiệm đầy đủ sẽ giúp cơ quan quản lý và nhà đầu tư hiểu rõ hơn DN phát hành. Trước mắt, có thể quy định các DN phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển DN xếp hạng tín nhiệm.

Cần chú trọng phát triển thị trường chứng khoán chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các DN niêm yết. Đây là những giải pháp rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn.

TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Khắc phục lỗi để thị trường lành mạnh

Chúng ta đều nhận thức được rằng cần có thị trường trái phiếu DN cũng như thị trường vốn cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Qua hơn 3 giờ diễn ra tọa đàm với các ý kiến đóng góp của chuyên gia, đại biểu, tôi xin tổng hợp lại 10 giải pháp chính cho thị trường trái phiếu DN.

Khơi thông dòng vốn sạch

Thứ nhất, cần xử lý rốt ráo những vụ việc xảy ra trong thời gian qua nhằm tạo niềm tin cho thị trường, trái chủ và những người có liên quan. Thứ hai, củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn. Thứ 3, cần nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Thứ 4, tăng cường quản lý thị trường thứ cấp. Thứ 5, tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan chức năng. Thứ 6, quy định rõ tỉ lệ vốn vay/vốn sở hữu. Thứ 7, phát triển thị trường dịch vụ đánh giá tín nhiệm giúp trái chủ đánh giá được rủi ro khi quyết định đầu tư. Thứ 8, quy định chặt chẽ hơn về thị trường OTC. Thứ 9, tăng cường hậu kiểm việc sử dụng nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích.

Cuối cùng, cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước, DN, cơ quan báo chí - truyền thông cùng sự đồng hành của xã hội để lên tiếng báo động, xây dựng được thị trường vốn nói chung cũng như thị trường trái phiếu nói riêng nhằm góp phần phát triển kinh tế đất nước.

TS LÊ ANH TUẤN - Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital:

Bắt buộc phải có đánh giá tín dụng

Thị trường trái phiếu DN là kênh chia lửa cho thị trường NH. Do đó, đối với thị trường Việt Nam, tôi cho rằng khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.

Khơi thông dòng vốn sạch

Vậy làm sao để kiểm soát? Gần đây, khoảng 2-3 công ty được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và NH Nhà nước cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Tôi cho rằng ở điều kiện tối thiểu khi DN phát hành trái phiếu cần có đánh giá tín dụng. Thậm chí bắt buộc tất cả DN phát hành trái phiếu đều phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép.

TS LÊ ĐẠT CHÍ - Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Xếp hạng tín nhiệm cần được luật hóa

Trong lộ trình phát triển kinh tế của Việt Nam và TP HCM đều nói rất nhiều về các trung tâm tài chính quốc tế, cho nên việc siết chặt thị trường nợ là không phù hợp với xu hướng của nền kinh tế.

Khơi thông dòng vốn sạch

Ở thị trường sơ cấp, chúng ta có đề cập việc sử dụng vốn có đúng với mục đích phát hành nhưng thời gian qua, có một số đơn vị sử dụng vốn không đúng mục đích. Theo tôi, việc này không thể đặt hết lên vai của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà DN phải tự chịu, cơ quan quản lý cần giám sát chặt.

Đồng thời, cần phải có kênh cung cấp đầy đủ thông tin DN cho nhà đầu tư bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của DN. Do đó, khi sửa đổi Nghị định 153, cần quy định rõ thời hạn DN nộp hồ sơ tối đa bao nhiêu ngày thì cơ quan quản lý phải trả lời hồ sơ có đúng quy định không?

Xếp hạng tín nhiệm là yếu tố quan trọng nhưng không phải tất cả các nước đều bắt buộc. Còn nếu khuyến khích thì ai là người trả phí? Theo tôi, quy định tại Nghị định 153 hiện nay là chưa đủ, chưa đặt nặng vai trò, trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Vì thế, cần phải có luật để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.

ThS NGUYỄN ANH VŨ - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:

Nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp

Có một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến thị trường trái phiếu DN. Đầu tiên là điều kiện phát hành, tại bất cứ quốc gia nào, điều kiện phát hành trái phiếu DN ra công chúng đều cao và chặt chẽ hơn so với phát hành riêng lẻ.

Khơi thông dòng vốn sạch

Tiếp đến, nhà đầu tư nào được quyền tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ? Cá nhân có đủ điều kiện tài chính để thuê người tư vấn chuyên nghiệp đánh giá rủi ro? Như vậy, nên chăng nâng chuẩn số tiền nhà đầu tư đang có hay nâng chuẩn quy định nhà tư vấn?

Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư có cần khống chế hay không? Nếu chào bán trái phiếu qua phương tiện thông tin đại chúng thì đều coi là phát hành ra công chúng. Do vậy, việc xác định phương tiện thông tin chào bán rất phức tạp bởi với sự phát triển của internet, mạng xã hội thì thông tin chuyển tải rất lớn.

Cuối cùng, một vấn đề cần xem xét là ban đầu DN phát hành trái phiếu riêng lẻ cho đối tượng hạn chế, đến khi lên thị trường thứ cấp thì sẽ quy định như thế nào khi số nhà đầu tư sở hữu lượng trái phiếu lớn hơn? Một vấn đề khác là vai trò quỹ đầu tư trái phiếu ở Việt Nam hiện còn quá ít.

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW:

Không nên tạo thêm nhiều thủ tục hành chính

Với việc sửa đổi Nghị định 153, theo tôi là bít lỗ hổng nhưng phải thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu nói riêng và chứng khoán nói chung chứ không nên tạo nhiều thủ tục hành chính hơn, gây cản trở hoạt động phát hành trái phiếu của DN.

Khơi thông dòng vốn sạch

Hiện có nhiều quan điểm cho rằng việc phát hành trái phiếu phải kiểm soát được mục đích sử dụng, tránh trường hợp DN huy động rồi sử dụng cho mục đích đảo nợ, đầu tư cho dự án khác. Do đó, nghị định sửa đổi cần nêu rõ hơn DN nếu không sử dụng đúng mục đích, hay có dấu hiệu chiếm đoạt thì nạn nhân có thể khởi kiện…

Xu hướng sửa đổi hay ban hành mới quy định pháp luật phải theo hướng chuyển đổi để phát triển, không vì một số vụ việc gần đây mà tạo ra khó khăn cho DN phát hành trái phiếu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả