menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Khối ngoại thâu tóm chuỗi bán lẻ

Trong số 5 doanh nghiệp lớn nhất ngành bưu chính  - chuyển phát hiện đã có 3 doanh nghiệp lọt vào tay các tập đoàn nước ngoài. Hệ sinh thái thương mại điện tử  - vận chuyển giao hàng và thanh toán tại Việt Nam đang dần thuộc về khối ngoại.

“Cá mập” dồn dập rót vốn ngàn tỷ

Tuần cuối của tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc và quỹ đầu tư Baring Private Equity Asia (BPEA) đã chính thức chi 400 triệu USD tiền mặt (tương đương khoảng 9.200 tỷ đồng) để mua lại số cổ phần chiếm 5,5% vốn điều lệ của nền tảng bán lẻ tiêu dùng The CrownX thuộc Tập đoàn Masan.

Với thương vụ đầu tư này, Alibaba và BPEA bắt tay với Masan phát triển hệ sinh thái bán lẻ cho hệ thống chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+, đồng thời hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online tại Việt Nam.

Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam cho rằng, việc rót 400 triệu USD vốn vào The CrownX có thể mới chỉ là vòng đầu tư đầu tiên và sẽ còn các vòng sau nữa. Bởi trong Đại hội cổ đông của Masan, chiến lược Point of Life đã được công bố với mục tiêu tiếp tục thu hút nguồn vốn ngoại nhằm hoàn thiện nền tảng bán lẻ trực tuyến “tất cả trong một”.

Quan sát thực tế thị trường cho thấy, từ năm 2019 đến nay việc ồ ạt rót vốn vào lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng và thâm nhập sâu rộng sang các dịch vụ chuyển phát, bưu chính và kho vận đã được hàng loạt các tập đoàn “cá mập” của Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam thông qua nhiều thương vụ mua bán sáp nhập.

Báo cáo tài chính của SEA (một công ty con của Tập đoàn Tencent - Trung Quốc) cho thấy, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của SEA tại CTCP Giao hàng tiết kiệm đến hết năm 2019 đã ở mức 78,46%. Doanh nghiệp này hiện cũng đang sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam. Vì vậy việc thâu tóm Giao hàng tiết kiệm khiến SEA “bao thầu” luôn cả mảng bán hàng trực tuyến và giao hàng nhanh cho khách hàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện công ty mẹ của SEA là Tencent đang sở hữu hơn 30% tại VNG và 15% tại JD.com. Năm 2019 JD.com đã chi ra 1.000 tỷ đồng mua cổ phần của sàn thương mại điện tử Tiki, còn VNG đã mua 38% cổ phần Tiki với giá 384 tỷ đồng. Điều này cho thấy “vòi bạch tuộc” của Tencent đã chen chân vào hầu hết các trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam và đang phát triển rất mạnh mảng giao hàng với dịch vụ TikiNOW nhằm hoàn thiện hệ sinh thái từ bán lẻ đến giao hàng và thanh toán trực tuyến.

Lo ngại quản lý và chống thất thu thuế

Tổng hợp các thương vụ mua bán sáp nhập có bóng dáng của các tập đoàn Trung Quốc lớn như Tencent và Ladada cho thấy, đến thời điểm đầu năm 2021 các doanh nghiệp nước ngoài này gần như đã thâu tóm hầu hết các hãng chuyển phát và các sàn thương mại điện tử mới nổi. Hiện tại trong số 5 thương hiệu lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực giao hàng là Viettel Post, VNPost, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng Nhanh và Ahamove J&T, thì đã có 3 doanh nghiệp đã lọt vào tay nước ngoài.

Đáng chú ý là sau các thương vụ M&A, bằng việc kết hợp cả mảng thương mại điện tử với mảng giao nhận và thanh toán vào cùng một hệ sinh thái khép kín, doanh thu của các sàn thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng đột biến. Chẳng hạn, năm 2019 sản lượng hàng hóa vận chuyển của Giao hàng tiết kiệm mới chỉ ở mức 152,2 triệu bưu kiện, thì năm 2020, khi được chỉ định hợp tác với Shopee, đã tăng trưởng 62%, đạt 250,9 triệu kiện. Sản lượng GHN&Ahamove còn đột biến hơn khi song hành cùng Lazada của Alibaba, tăng tới 89%, từ 56,4 triệu kiện năm 2019 lên 106,7 triệu kiện năm 2020.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử mô hình bán lẻ trực tuyến, kết hợp cho vay tiêu dùng, thanh toán qua app (Shop-Loan-Pay) hiện là mô hình đầu tư ưa chuộng của các tập đoàn lớn đến từ Trung Quốc. Với sự hậu thuẫn của Tencent và Alibaba, trong các năm tới các sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada sẽ chiếm lĩnh thị phần gần như tuyệt đối tại Việt Nam. Khi đó câu chuyện kiểm soát độc quyền, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chống thất thu thuế và chống chuyển giá cần phải được các bộ, ngành và địa phương tính tới.

Thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay các cơ quan Thuế tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp để thu thuế từ các sàn cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử như: Chotot.com, Vatgia.com, Muaban.net; Lazada, Shopee, đồng thời làm việc với một số chủ sàn thương mại điện tử lớn để quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, với việc thâu tóm dần hệ sinh thái thương mại điện tử của các tập đoàn nước ngoài như Tencent và Alibaba việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu cung cấp – mua bán – vận chuyển đến thanh toán đều sẽ rất khó khăn bởi nhiều khâu đoạn nằm ngoài chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương.

Chưa kể rằng, việc thâu tóm những chuỗi giá trị bán lẻ tiêu dùng khép kín Shop-Loan-Pay sẽ tạo ra cho các tập đoàn nước ngoài một kho dữ liệu khách hàng khổng lồ. Từ đó có thể sử dụng để kiểm soát hành vi, thói quen tiêu dùng, tạo ra những rủi ro về độc quyền thương mại và phân phối sản phẩm, dẫn đến các biến tướng lợi dụng, trục lợi thậm chí là lừa đảo qua các sàn thương mại điện tử.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại