Khối ngoại rút 1.300 tỷ đồng một tuần, nhà đầu tư có nên lo ngại?
Tỷ giá USD có tác động tới việc mua - bán nhà đầu tư nước ngoài, song áp lực này sẽ sớm hạ nhiệt, khối ngoại sẽ vẫn giải ngân vào các nhóm cổ phiếu triển vọng...
Kết thúc tuần giao dịch 11/7-15/7, VN-Index tăng 7,94 điểm, tương ứng 0,68%, lên 1.179,25 điểm. Dù vẫn chưa quay lại ngưỡng kháng cự 1.200 điểm, song thị trường chứng khoán đã ghi nhận tuần tăng điểm và giá trị giao dịch trên HoSE cũng tăng 3,2% so với tuần trước với 57.669 tỷ đồng, khối lượng tăng 11,2% lên mức 2.621 triệu cổ phiếu.
Tại Hà Nội, HNX-Index tăng 6,6 điểm, tương ứng 2,38% lên 284,4 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 24,9% so với tuần trước với 6.646 tỷ đồng, khối lượng 14,3% lên 337 triệu cổ phiếu.
Trong tuần giao dịch 11/7-15/7, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất, với các cổ phiếu thép như như HPG tăng 3,3%, NKG tăng 4,7%, TLH tăng 3,5%, POM tăng 2,9%... Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu hóa chất cũng tăng tích cực, với một số đại diện là DPM tăng 8,6%, DCM tăng 4%, CSV có thêm 3,5% hay BFC có thêm 7,6%.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần vừa rồi trên HoSE ghi nhận thị giá có thêm 30,64% là TNC của Cao su Thống Nhất, HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tăng 22,31% hay HAG tuần vừa rồi cũng có thêm 14,86% cùng thông tin doanh nghiệp báo lãi hơn 500 tỷ đồng sau nửa năm…
Chiều ngược lại, nhóm bán lẻ đồng loạt đi xuống như MWG mất 5,4%, FRT mất 7,3%, PNJ giảm 2,2% hay DGW giảm 7,9%... Mã giảm mạnh nhất tuần vừa rồi trên HoSE là DTT của CTCP Kỹ nghệ Đô Thành với mức giảm 19,17%. Tại sàn có biên độ giao dịch lớn như UPCoM, có mã giảm tới 47% sau một tuần là TAW của CTCP Cấp nước Trung An.
Khối ngoại xả mạnh FUEVFVND, SSI
Dù VN-Index tuần vừa rồi đã tăng điểm với thanh khoản cải thiện, song nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có thêm tuần giao dịch không mấy tích cực khi bán ròng tới gần 1.300 tỷ đồng.
Tại HoSE, khối ngoại đã thực hiện 2 phiên mua ròng và 3 phiên bán ròng với tổng khối lượng bán ròng là 42,55 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 1.181,21 tỷ đồng, tăng 14,96% về lượng và 11,93% về giá trị so với tuần trước đó.
Chiều ngược lại, khối này đã mua vào 144,17 triệu đơn vị với tổng giá trị mua vào đạt 3.471,95 tỷ đồng, giảm 7,44% về lượng và 28,61% về giá trị so với tuần giao dịch trước đó); và bán ra với khối lượng 186,72 triệu đơn vị, giá trị 4.653,16 tỷ đồng, giảm 3,14% về lượng và 21,39% về giá trị so với tuần trước.
Trong khi đó, trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 4 phiên bán ròng và chỉ một phiên mua ròng duy nhất ngày 14/7. Hay trên UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tiếp 5 phiên.
Tính chung giao dịch tuần qua trên cả 3 sàn, khối ngoại đã bán ròng 47,2 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt hơn 1.292 tỷ đồng, tăng 10,44% về lượng và 6,5% về giá trị so với tuần trước.
Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất tuần qua với khối lượng bán ròng đạt hơn 18,72 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 478,5 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2 là SSI bị bán ròng 8,52 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bị bán ròng đạt 177,2 tỷ đồng.
Kỳ vọng nhóm ngân hàng dẫn dắt nhờ nới room tín dụng
Diễn biến bán ròng của nhà đầu tư ngoại trùng thời điểm tỷ giá USD/EUR "nóng" lên. Hôm 12/7, đồng tiền chung châu Âu lần đầu tiên trong 20 năm có giá tương đương USD. Tỷ giá USD ngày càng đắt trong khi tỷ giá quy đổi hầu hết loại tiền tệ khác đều giảm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam đánh giá, tỷ giá vừa qua ít nhiều tác động tới động thái, chiến lược giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
"Đầu tháng 4, thị trường chứng khoán lao dốc thì nhà đầu tư nước ngoài mua vào, đến thời điểm đầu tháng 7, do tỷ giá tăng, họ có khuynh hướng bán ròng, đặc biệt biến động ở chính chỉ quỹ ETF", ông Minh nói. Ông Minh nhận định, trong lịch sử, diễn biến này cũng từng diễn ra và tỷ giá có tác động mạnh tới động thái của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, áp lực này không "nóng" thêm thời gian tới mà sẽ sớm hạ nhiệt. Giai đoạn 2020-2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam lớn. Đến cuối năm 2021, tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn dưới 16% trên thị trường cổ phiếu.
Ông đánh giá đây là tỉ lệ thấp. Gần đây, ông cho rằng khối ngoại không rút hoàn toàn mà bán ròng trên thị trường cổ phiếu và dịch sang kênh đầu tư khác. "Theo thống kê, trong năm 2021, khối ngoại đã rót tiền vào thị trường trái phiếu, đặc biệt trái phiếu Chính phủ. Năm 2022, cơ hội định giá hấp dẫn, P/E thấp, tôi kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng dần tỉ trọng thời gian tới", ông Minh nói.
Tỷ giá USD thời gian qua có tăng, song ông nhìn nhận, đối với đồng euro, yên Nhật thì doanh nghiệp vay ngoại tệ này ít bị tác động, nhưng rủi ro doanh nghiệp vay đồng USD nhiều. Trong khi đó, sự ổn định của đồng Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm cơ hội để giải ngân vào từng nhóm cổ phiếu triển vọng. "Việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không đáng ngại", ông nói.
Ông Minh vẫn cho rằng có thể kỳ vọng kịch bản tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. "Nhìn từ 2013 tới nay, định giá P/E có 3 lần về mức 12 lần thì bật lên. Theo đó, kỳ vọng 6 tháng cuối năm vẫn có thể tin tưởng tích cực, nhưng thanh khoản sẽ không cao như 2021. Tình trạng phân hóa sẽ xảy ra chứ không phải tăng đồng loạt ở các nhóm cổ phiếu", ông nói.
Trong nửa cuối năm, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi và dẫn dắt thị trường. Nguyên nhân do định giá nhóm này về mức hấp dẫn và khả năng nới room tín dụng trong quý III. Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn gặp khó khăn do thanh khoản thị trường bất động sản chưa có cải thiện. Nhóm chứng khoán, theo ông triển vọng kinh doanh cũng kém khả quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận