Khối ngoại bán ròng gây áp lực lên thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại và sự thiếu vắng dòng tiền mới.
Thị trường chứng khoán đang có nguy cơ để mất vùng điểm an toàn ở ngưỡng 1.240 điểm khi lực cầu bắt đáy vẫn chưa cản bước đà đi xuống dưới áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Với việc thị trường vẫn loay hoay tại vùng đáy vừa qua, diễn biến này sẽ gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư, đặc biệt là áp lực điều chỉnh từ nhóm vốn hóa lớn ngân hàng.
Liên tiếp từ đầu tháng 11 đến nay, khối ngoại bán ròng liên tục tại các phiên giao dịch. Trong hai tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 4.500 tỉ đồng trên sàn HOSE.
Nếu tính từ đầu năm 2024, chỉ duy nhất tháng 1 ghi nhận lực mua ròng của khối ngoại, liên tục từ tháng 2 tới nay nhóm này bán ròng. Quy mô bán ròng từ đầu năm nay trên sàn HOSE đạt hơn 70.000 tỉ đồng, mức kỷ lục từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
Theo Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), tháng vừa qua cũng là tháng rút ròng thứ 10 liên tiếp của các quỹ ETF, nâng giá trị rút ròng từ đầu năm lên hơn 21.000 tỉ đồng, tương đương giảm 28% tổng tài sản so với cuối năm 2023.
Cùng chiều với các quỹ ETF, các quỹ chủ động cũng bị rút ròng tới 2.700 tỉ đồng trong tháng 10, đến từ cả quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam hay nhóm quỹ đa quốc gia. Xu hướng này cũng tương đồng với trạng thái bán ròng của khối ngoại trên thị trường.
Động thái rút vốn của khối ngoại, được các chuyên gia phân tích đánh giá là đến từ áp lực tỉ giá và chênh lệch hiệu suất giữa các thị trường. Ngoài câu chuyện tỉ giá, dòng vốn ngoại dịch chuyển còn do chênh lệch hiệu suất hoạt động giữa các thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên.
Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Nếu xét về mức tăng của chỉ số chứng khoán, những thị trường cận biên và mới nổi có hiệu suất thấp hơn hẳn nếu so với khu vực phát triển. Trong bối cảnh các thị trường như Phố Wall hay Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc, áp lực dịch chuyển dòng vốn là điều khó tránh.
Nhận định về xu hướng của thị trường chứng khoán, có thể thấy dù chỉ số cho tín hiệu hồi phục khi lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.240 điểm, nhưng trạng thái thận trọng của các giao dịch ngắn hạn chưa hoàn toàn được tháo gỡ và áp lực điều chỉnh xuất hiện trở lại.
Thanh khoản duy trì ở mức thấp, tương đương tuần trước đó, cho thấy sự chậm lại ở cả lực cung và cầu. Các giao dịch ngắn hạn có vẻ vẫn đang đánh giá những tác động của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sắp tới của ông Donald Trump đối với nền kinh tế Việt Nam và chờ đợi nhiều hơn những thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nước.
Sự trầm lắng của dòng tiền còn đến từ việc dòng tiền chưa xác nhận được sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khi diễn biến rung lắc và điều chỉnh ngắn hạn tại các cổ phiếu trong rổ VN30 xuất hiện và có dấu hiệu kéo dài, thử thách sự kiên nhẫn đối với các giao dịch hiện tại.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, xu hướng điều chỉnh ngắn hạn đang tiếp diễn, nhưng vùng 1.230 - 1.240 điểm đóng vai trò hỗ trợ quan trọng.
Tuy nhiên, cơ hội tạo đáy và xác lập xu thế tăng đến hiện tại cần được xác nhận trên các tín hiệu bứt phá xu thế mới dựa trên nền thanh khoản cải thiện mạnh và có sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận