Khối ngoại bán ròng: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Cơn sóng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024 đến nay đã tạo áp lực lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù vậy, liệu đây có thực sự là tín hiệu xấu cho thị trường hay lại là cơ hội cho nhà đầu tư?
Trong nửa đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng gần 60.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng trong những phiên giao dịch gần đây, khối ngoại đã chuyển sang mua ròng trở lại.
Áp lực bán ròng từ đâu?
Chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) nhận định, theo thống kê từ đầu năm đến ngày 30/07/2024, khối ngoại đã bán ròng gần 60 nghìn tỷ đồng, trong đó, một số cổ phiếu bị bán nhiều nhất bao gồm: VHM (13.148 tỷ đồng), FPT (7.815 tỷ đồng) và VNM (5.361 tỷ đồng).
Tuy nhiên, một số cổ phiếu vẫn nhận được sự quan tâm và được mua ròng bởi nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là MWG (1.209 tỷ đồng) và NLG (1.084 tỷ đồng).
Diễn biến bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến hết tháng 7/2024
Theo chuyên gia phân tích VPS, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khối ngoại bán ròng thời gian qua. Trước tiên, có thể kể đến những bất ổn về kinh tế và địa chính trị toàn cầu đã tạo ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách tiền tệ tại các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, cũng gây áp lực lớn lên dòng vốn, khiến các nhà đầu tư phải rút tiền ra khỏi thị trường. Hoạt động tái cơ cấu của các quỹ đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng, khi họ bán các cổ phiếu vốn hóa lớn để tái định hướng danh mục đầu tư.
“Việc khối ngoại chốt lời để bảo toàn lợi nhuận là điều dễ hiểu và hợp lý, đặc biệt khi các mã cổ phiếu tăng trưởng mạnh như FPT và Diamond ETF nằm trong danh sách bị bán ròng” - chuyên gia VPS nhận định.
Dự báo tích cực trong tương lai
Hoạt động bán ròng của khối ngoại đã tạo ra áp lực không nhỏ lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị thị trường, nhưng ảnh hưởng tâm lý là rất lớn. Khối ngoại từ lâu được đánh giá là những nhà đầu tư am hiểu, có kinh nghiệm và sở hữu nguồn vốn lớn, do đó hành động của họ thường được các nhà đầu tư cá nhân quan tâm theo dõi.
“Việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng được xem là một trong những lý do khiến thị trường chưa thể vượt qua mốc 1.300 điểm”, chuyên gia VPS nhận định.
Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước. Khi các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá do áp lực bán, điều này tạo ra cơ hội mua vào ở mức giá hấp dẫn hơn. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư mua gom các cổ phiếu đang được chiết khấu về các vùng giá hấp dẫn cho giai đoạn cuối năm 2024 và 2025.
Đáng chú ý, gần đây, áp lực bán của khối ngoại đã giảm đi đáng kể. Trong hai tuần cuối tháng 7, đã xuất hiện nhiều phiên mua ròng, điển hình như các ngày 18/07, 22/07, 24/07 và 31/07, với phiên ngày 18/07 ghi nhận mức mua ròng lên đến 974 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự thay đổi trong tâm lý và chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài.
Dự báo trong thời gian tới, áp lực bán của khối ngoại sẽ giảm bớt khi các quỹ đầu tư đã hoàn tất tái cơ cấu danh mục. Thêm vào đó, Mỹ đang trong quá trình chuẩn bị hạ lãi suất, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn quay trở Việt Nam. Bên cạnh đó, những nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi cũng là yếu tố tích cực, hứa hẹn thu hút thêm dòng vốn ngoại trong tương lai.(*)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận