Khối ngoại bán ròng 5 tháng liên tiếp trên sàn HOSE
Tháng 08/2023, các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đều bán ròng trên cả hai sàn. Đặc biệt, trên HOSE, phe bán thắng áp đảo, đánh dấu phiên bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, khối ngoại đã bán ròng hơn 2,670 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên 3,442 tỷ đồng, đáng chú ý nhất là chuỗi 5 phiên bán ròng liên tiếp từ 10-16/08, tổng giá trị bán ròng trên 1,800 tỷ đồng. Còn trên HNX, sau 3 tháng mua ròng liên tiếp khối ngoại đã đảo chiều bán ròng 23 tỷ đồng trong tháng 8. Dù vậy, tính từ đầu năm khối ngoại vẫn duy trì lực mua ròng 1,730 tỷ đồng trên HNX.
Động thái bán ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) biến động mạnh. Sau khi VN-Index bứt phá ra khỏi ngưỡng tâm lý 1,200 điểm vào cuối tháng 7, các nhà đầu tư giao dịch khá thận trọng trong nửa đầu tháng 8, trước khi có cú sụt mạnh hơn 55 điểm vào ngày 18/08. Các chuyên gia cho rằng trong một xu hướng tăng mạnh của thị trường từ mức đáy tháng 11/2022 cho đến thời điểm này mà chưa có nhịp giảm nào đáng kể, nên áp lực chốt lời của nhà đầu tư là rất lớn. Trong khi đó, ở góc độ của một nhà đầu tư lâu năm, cho rằng thị trường giảm không do nguyên nhân sâu xa nào, trên đà tăng có nhịp điều chỉnh giảm là rất bình thường.
Thực tế đã cho thấy, từ phiên “quay xe” bất ngờ này lực cầu đã trở lại mạnh mẽ trên thị trường, điển hình là mẫu hình “nến rút chân” đã xuất hiện vào ngày 22/08. Khép lại tháng 8, VN-Index dừng ở 1,224.05 điểm, gần như đi ngang so với tháng trước, nhưng tăng trên 21% so với đầu năm.
Diễn biến của VN-Index từ đầu năm
Trong tháng 8, nhiều thông tin trong và ngoài nước có tác động mạnh lên thị trường chứng khoán trong nước. Đầu tiên là Trung Quốc khiến giới đầu tư lo ngại nước này rơi vào giảm phát khi CPI tháng 7 giảm 0.3% so với cùng kỳ - tháng giảm đầu tiên từ 02/2021. Nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đã được đưa ra, trong đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã quyết định giảm 15 điểm cơ bản với các khoản vay kỳ hạn 1 năm cho các NHTM từ mức 2.65% xuống 2.5%.
Trong khi đó, thị trường toàn cầu vẫn tiếp tục hướng tới các manh mối về lãi suất trong cuộc họp của Fed trong tháng 9 tới. Giới phân tích và đầu tư trên thế giới đang nghiêng về kịch bản Fed sẽ không tăng lãi suất. Theo số liệu khảo sát của CME FedWatch, xác suất các nhà giao dịch dự đoán rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 là trên 88%, còn xác suất các nhà giao dịch dự báo Fed sẽ tăng 0.25% lãi suất là trên 11%.
Trở lại thị trường trong nước, tỷ giá cũng là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong thời gian qua. Ngày 15/08, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng giá bán USD giao ngay tại Sở Giao dịch từ 24,990 đồng/USD lên 25,025 đồng/USD vào, đây là mức giá bán USD giao ngay cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Võ Kim Phụng – Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK BETA, những biến động tỷ giá trong thời gian gần đây chỉ mang tính chất ngắn hạn và vẫn trong tầm kiểm soát, chưa đến mức đáng lo ngại sự tác động đến thị trường chứng khoán như giai đoạn những tháng cuối năm 2022, mà chỉ tác động đến phạm vi tùy từng doanh nghiệp cụ thể liên quan đến xuất nhập khẩu và vay nợ đồng USD.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam nhận định, 1 trong 2 yếu tố tác động đến tỷ giá là lượng dòng tiền lớn rút ra khỏi nền kinh tế khi chưa thấy thông qua việc theo dõi chỉ số CDS - chỉ số phản ánh rủi ro thị trường vốn, không có sự gia tăng đột biến, trong bối cảnh vĩ mô ổn định hơn và lạm phát đang kiểm soát. Yếu tố thứ hai là diễn biến của đồng USD, chỉ số USD – DXY hiện đã tăng trở lại tiệm cận vùng đỉnh cũ trước đó là 104 điểm, do đó, khả năng đồng USD điều chỉnh là khá cao, áp lực tỷ giá trong ngắn hạn sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian tới.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là cổ phiếu nhóm tài chính – ngân hàng. VPB là mã bị bán ròng mạnh nhất hơn 1,000 tỷ đồng, xếp sau là chứng khoán SSI bị bán ròng khoảng 955 tỷ đồng. Ngoài ra, có một mã ngân hàng nữa là VCB với giá trị bán ròng 306 tỷ đồng. Chiều mua, khối ngoại tập trung vào VNM với giá trị khoảng 895 tỷ đồng, xếp sau là CTG (687 tỷ đồng) và VIC (527 tỷ đồng).
Trong tháng 8, VIC là niềm hứng khởi của thị trường chứng khoán khi “đứa con cưng” VinFast (VFS) chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq. Thông tin tích cực này giúp VIC tăng hơn 13% trong tháng qua, đóng góp lớn nhất vào điểm số VN-Index.
Trên HNX, lực mua của khối ngoại có sự phân hóa hơn. Khối ngoại bán áp đảo cổ phiếu TNG và DTD với giá trị bán ròng lần lượt 95 tỷ đồng và 74 tỷ đồng, xếp sau là cổ phiếu THD 48 tỷ đồng. Chiều mua, khối ngoại tập trung mua ròng nhiều ở cổ phiếu IDC 162 tỷ đồng, xếp sau là cổ phiếu SHS 69 tỷ đồng.
Nhìn về triển vọng thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định xu hướng tích cực sẽ tiếp tục được duy trì trong bối cảnh lãi suất thấp, triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ hồi phục trong thời gian còn lại của năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận