Khởi công cao tốc 10,000 tỷ đồng nối Tuyên Quang - Hà Giang
Chiều 28/05, tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công xây dựng Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư 10,000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hà Giang có chiều dài khoảng 27 km, là dự án cao tốc đầu tiên của tỉnh.
Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang làm cơ quan chủ quản, thực hiện theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự án có quy mô 2 làn xe song phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Dự án giai đoạn 1 hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Những năm tới, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đầu tư giai đoạn 2 (nâng lên quy mô 4 làn xe) và đầu tư xây dựng đoạn kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5,000 km đường bộ cao tốc cũng được Thủ tướng đề cập và lưu ý giai đoạn 2021-2030 cần đầu tư gần gấp 4 lần số km đường cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000-2020.
Ngoài đẩy mạnh kết nối vùng, tạo không gian và khí thế phát triển mới cho các vùng, các địa phương, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, Thủ tướng khẳng định phát triển hạ tầng giao thông còn giúp giảm chi phí logistics. "Hiện chi phí logistics ở Việt Nam đang khoảng 17%, trong khi đó các nước trong khu vực chỉ là 12-13%, làm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của chúng ta thiếu tính cạnh tranh", lãnh đạo Chính phủ phân tích.
Để dự án triển khai hiệu quả, người đứng đầu Chính phủ lưu ý các địa phương bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cho dự án theo nguyên tắc giao trực tiếp các mỏ đất đá cho nhà thầu, không giao qua trung gian tư nhân, tránh việc găm hàng, nâng giá, đội giá, dẫn đến tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành dự án đúng tiến độ, chậm nhất vào 31/12/2025 theo hướng bảo đảm chất lượng, không tăng tổng mức đầu tư, không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận