Khoảng trống pháp lý với tiền ảo
Năm 2017, Chính phủ đã giao cho 5 bộ, ngành nghiên cứu khung pháp lý cho tiền ảo, nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể, nên chưa thể lấp khoảng trống pháp lý đối với loại tiền này.
Chia sẻ tại hội thảo “Ngăn chặn khủng hoảng tài chính và tương lai của tiền tệ - tiền điện tử” tổ chức mới đây, ông Nguyễn Cảnh Thăng, Phó trưởng phòng Pháp luật kinh tế ngành (Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ luật Dân sự hiện nay không có quy định xác định tiền ảo là tài sản. Muốn chứng minh tiền ảo là một loại tài sản thì phải có cơ chế để xác minh quyền, nhưng hiện chưa có, nên cần sớm hoàn thiện cơ chế để lấp khoảng hở pháp lý này.
Cũng vì thiếu cơ chế xử lý nên trong một vụ kiện về thuế bitcoin vào tháng 9/2017, Tòa án sơ thẩm tỉnh Bến Tre không thể xác định bitcoin có phải là hàng hóa, dịch vụ hay không, nên không có căn cứ áp thuế, dẫn đến không xử lý được vi phạm (nếu có). Vụ việc “dậm chân tại chỗ” từ đó đến nay.
Cũng trong năm 2017, Chính phủ đã giao 5 bộ, ngành xem xét, nghiên cứu khung pháp lý liên quan đến tiền ảo, nhưng đến nay vẫn chưa có định hướng cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, theo quy định của Hiến pháp, các việc hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân phải được quy định bằng văn bản luật.
“Trong pháp luật tín dụng ngân hàng, tài sản ảo, tiền ảo không được xem là tiền tệ, là phương tiện thanh toán, nên việc ứng xử như thế nào với loại tiền này đang là vấn đề cần sớm có lời giải”, ông Thăng nói.
Không chỉ Việt Nam, trên thế giới, các cơ quan quản lý tiền tệ cũng đang đau đầu với tiền ảo, nhất là khi Facebook tuyên bố đưa đồng tiền Libra của họ vào sử dụng. Ðiều này gây lo lắng bởi Facebook đang là mạng xã hội có nhiều người dùng nhất với khoảng 2,3 tỷ người, nên nếu không kiểm soát được có thể ảnh hưởng lớn đến ngành tài chính toàn cầu.
“Nhiều người đang lo lắng đặt ra câu hỏi: Liệu có đồng tiền nào mà lại không gắn với một quốc gia cụ thể? Nhưng nếu Facebook phát hành đồng tiền riêng của họ, rất có thể đây là đồng tiền tiềm năng, bởi các tổ chức thanh toán như Master, Visa tuyên bố sẽ chấp nhận đồng tiền này”, John Mongelard, Giám đốc chuyên môn ICAEW chia sẻ tại hội thảo.
Bộ luật Dân sự hiện nay không có quy định xác định tiền ảo là tài sản.
Theo chuyên gia ICAEW, tiền ảo không chỉ là mối lo đối với các ngân hàng ở châu Âu, mà trên toàn thế giới vì hiện vẫn chưa có chuẩn mực quốc tế về loại tiền này, khiến họ không thể xác định được hoạt động rửa tiền thông qua tiền ảo.
“Nhiều nước đã yêu cầu phải đăng ký, xác minh được người có giao dịch bởi quan niệm tiền ảo không phải là tiền, mà chỉ là phương tiện đầu tư để trao đổi. 10 đồng tiền ảo tăng giá 25% trên thị trường Mỹ được giới chức tài chính nước này đánh giá không đáng tin cậy để cất trữ”, ông Mongelard thông tin.
Về giải pháp quản lý tiền ảo, chuyên gia ICAEW cho hay, nhiều cơ quan quản lý tiền tệ trên thế giới đang áp dụng các yếu tố của hệ sinh thái tiền mã hóa để chống lại các hoạt động bất hợp pháp, đẩy mạnh tính chính trực của thị trường, bảo vệ sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính.
“Con người mới là tác nhân gây ra hành vi sai trái, chứ không phải sản phẩm. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bị rủ rê mua tiền ảo, nhiều hình thức thao túng giá được thực hiện. Một nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong 81 trường hợp giao dịch phổ biến thì 95% là giao dịch giả mạo. Có nhiều giao dịch cho thành viên trong hội, mọi người tưởng rằng có nhiều hoạt động làm cho giá trị đồng tiền tăng, nhưng thực tế không phải vậy”, ông Mongelard nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận