Khoảng trống pháp lý trong xử lý vấn nạn tin giả
Tin giả với những dụng ý không lành mạnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, tuy nhiên, vẫn đang tồn tại những khoảng trống pháp lý để xử lý vấn nạn tin giả.
Tin giả đang đầu độc cả xã hội
Nhớ lại câu chuyện “sự cố… con ruồi”, nhà báo Lê Thanh Phong của Báo Lao động cho biết, trong một lần trò chuyện, anh đã nêu vấn đề với CEO của doanh nghiệp là, tại sao không chấp nhận trả cho đối tượng 500 triệu đồng mà lại kiên quyết mời công an vào cuộc. Trong khi, sau sự cố này, doanh thu năm đó giảm sút tới 30%, mà với doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỷ, con số này là quá lớn so với sự đòi hỏi kia.
“Gần như ngay lập tức, vị này trả lời, chúng tôi không nhượng bộ, không phải chỉ là sợ đến ngày mai, ngày mốt lại có thêm một…con ruồi khác, mà quan trọng hơn, doanh nghiệp tự tin vào mình và tin vào pháp luật sẽ bảo vệ được mình”, ông Phong nhớ lại.
Từ góc độ nghề nghiệp, ông Phong nhìn nhận, tin giả là tin sai sự thật, nhưng câu chuyện liên quan đến tin giả thì rất phức tạp, khó nhận diện và rất khó xử lý.
Thậm chí, tin giả từ các tổ chức, cơ quan quản lý, ví dụ thông tin cà phê pin từ một đoàn kiểm tra, từ bản tin này lan lên hầu hết các báo khác mà không hề kiểm tra từ các nguồn uy tín ảnh hưởng rất lớn đến những người kinh doanh cà phê. Hay như vụ nước mắm nhiễm arsen, phía chủ mưu tung tin giả đã tổ chức một cuộc họp báo lớn để loan truyền thông tin và kết quả là nhiều báo cho đó là tin thật và đăng tải tạo nên một cơn lốc thông tin không hề nhỏ.
“Một số nhà báo vì cơn lốc thông tin, vì áp lực của tòa soạn đã bị cuốn theo khiến số người tin vào tin giả gia tăng nhanh chóng. Vì vậy, tin giả càng ngày càng có nhiều đất sống”, ông Phong nhìn nhận và cho biết, đáng buồn hơn, một số người sẵn sàng tin vào thông tin mà chính bản thân không có khả năng kiểm chứng.
“Tin giả đã đầu độc những diễn đàn xã hội, đe dọa sự phát triển lành mạnh và dân chủ của xã hội”, TS. Lê Thị Linh Trang (Học viện Cán bộ TP.HCM) nói và cho rằng, đã đến lúc cần đến những người tiêu dùng tin tức thông minh.
Vẫn còn khoảng trống pháp lý
TS. luật học Đinh Thị Thanh Nga khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức đã đồng tình với nhìn nhận rằng, tại Việt Nam vẫn còn những khoảng trống pháp lý khá lớn trong cuộc chiến này.
Chẳng hạn, khi một trang tin điện tử câu kết với một số trang tin điện tử khác dùng tin giả để tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi. Khi doanh nghiệp không thể chịu đựng được nữa và buộc phải thương lượng và tất nhiên, kèm theo sự “biết điều” của trang tin điện tử đó là một khoản chi phí không nhỏ được thông qua hợp đồng truyền thông, tài trợ...
“Ở góc độ pháp lý, trang tin tổng hợp có dấu hiệu vi phạm về sở hữu trí tuệ khi dẫn các nguồn tin thiếu kiểm chứng, nhưng việc xử lý đưa tin sai sự thật sẽ bế tắc nếu doanh nghiệp bị thiệt hại không chủ động báo với cơ quan quản lý và việc xử lý cũng chỉ là phạt hành chính”, TS. Nga phân tích và cho biết, với các cơ quan báo chí chính thống, việc xử lý có phần dễ hơn, trong đó có việc rút giấy phép xuất bản có thời hạn. Còn với những trang tin tổng hợp có văn phòng, hay được lưu trữ dữ liệu ở nước ngoài, việc xử lý sẽ rất khó khăn.
Theo bà Nga, tin giả là vấn nạn chung mà các chính phủ trên toàn thế giới đang vật lộn để giải quyết, đặc biệt trong thời đại Internet trở nên phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể là tác nhân sản xuất và lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt. Vì thế, cuộc chiến chống tin giả đang ngày một gian nan.
Ông Nguyễn Văn Hà, Khoa Báo chí truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) nhìn nhận, việc sản xuất tin giả đang trở thành một ngành công nghiệp… hái ra tiền! Và khi đã bị đồng tiền dẫn dắt, việc chống càng thêm gian nan, vất vả.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã hình thành một mặt trận chống tin giả. Về cơ bản, có 4 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, thành lập một tổ chức chống tin giả thuộc cơ quan hành pháp.
Thứ hai, các tập đoàn công nghệ hàng đầu xây dựng, triển khai các phần mềm lọc tin giả.
Thứ ba, kêu gọi về đạo đức của người đưa thông tin, đấu tranh cho việc chỉ đưa sự thật.
Thứ tư, mấy năm gần đây, một số nước ở châu Âu đã đưa ra chương trình huấn luyện cho giới trẻ tại các trường học để có thể phân biệt, định dạng tin giả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận