Khoảng sáng, tối trong bức tranh PCI 2020
Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy bức tranh cải cách đã có nhiều màu sắc tươi sáng nhưng nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn tại nhiều phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội.
Những người dẫn đầu
Theo kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 công bố bởi Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng với tổng số điểm 75,09 điểm, tăng 2,69 điểm so với năm 2019, duy trì vị trí quán quân năm thứ tư liên tiếp.
Đây cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua ngưỡng 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 đến nay.
Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2020 là Đồng Tháp với dấu ấn vượt qua kỷ lục của chính mình khi đạt 72,81 điểm, xác lập năm thứ 13 liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.
Lần lượt ở vị trí thứ ba và thứ tư là Long An (70,37 điểm) và Bình Dương (70,16 điểm).
Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020 bao gồm Đà Nẵng (70,12 điểm), Vĩnh Long (69,34 điểm), Hải Phòng (69,27 điểm), Bến Tre (69,08 điểm), Hà Nội (66,93 điểm) và Bắc Ninh (66,74 điểm).
Những kết quả tích cực giữa Covid-19
Tại buổi công bố, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, 2020 là năm thứ tư liên tiếp điểm số của tỉnh trung vị đại diện cho bảng xếp hạng PCI đạt trên 60 điểm.
PCI 2020 ghi nhận xu hướng hội tụ mạnh mẽ hơn khi khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp lại.
Trong vòng năm năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu – một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Vấn đề phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế đã từng gây nhức nhối nhiều năm trước nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước.
Cụ thể, báo cáo PCI 2020 cho biết tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương ưu ái các doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân đã giảm từ 37,9% năm 2016 xuống 24,7% năm 2020.
Hiện tượng chính quyền địa phương ưu tiên thu hút đầu tư FDI hơn so với thu hút đầu tư tư nhân trong nước đã giảm đáng kể từ 42,3% xuống còn 29% trong giai đoạn 2016 – 2020.
Ngoại trừ việc doanh nghiệp tư nhân vẫn nhận thấy chính quyền các tỉnh có những ưu tiên trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI hơn so với doanh nghiệp tư nhân, những hình thức ưu ái khác trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai đã giảm dần qua các năm.
Bên cạnh môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, chi phí không chính thức tiếp tục giảm khi tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức giảm xuống mức 44,9%, so với mức 66% của năm 2016.
Gánh nặng chi phí không chính thức đã giảm theo thời gian, khi có 84,4% doanh nghiệp cho biết các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được, tăng đáng kể so với con số 79,2% của năm 2016.
Trong một số lĩnh vực cụ thể, mức độ phổ biến của chi phí không chính thức đã có dấu hiệu giảm bớt. Đơn cử, trong giai đoạn 2017 – 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm từ 51,9% xuống còn 27,7%; tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm từ 51,9% xuống còn 27,7%.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đã có chuyển biến tích cực khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thủ tục, giấy tờ đơn giản, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn đã tăng lên trong giai đoạn năm năm qua.
Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh cũng được đánh giá tích cực. Năm 2020, có 81% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “UBND tỉnh/thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”, vượt qua mức cao nhất năm 2019.
Những con số chưa thể ‘yên lòng’
Theo kết quả điều tra PCI 2020, cứ trong bốn doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân; cứ trong ba doanh nghiệp thì có gần một doanh nghiệp cho rằng chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI.
Ông Lộc cho biết vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế, gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức.
Bên cạnh đó, 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn; 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ Nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện.
Thanh, kiểm tra vẫn còn là gánh nặng tương đối lớn với một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp/chế tạo chịu gánh nặng thanh, kiểm tra tương đối đáng kể. Đây cũng là hai lĩnh vực phản ánh về hiện tượng thanh, kiểm tra quá mức (hơn 5 cuộc/năm) và thanh, kiểm tra trùng lặp cao nhất.
Phản ánh nhiều nhất về hiện tượng nhũng nhiễu trong thanh, kiểm tra là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.
Liên quan đến tính minh bạch của môi trường kinh doanh, điều tra PCI 2020 cho thấy dù đã giảm từ con số 66,3% của năm 2016, vẫn còn 57,4% doanh nghiệp phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương.
Một số loại thông tin có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận là tương đối cao, đó là bản đồ, quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch đầu tư công; tài liệu ngân sách; quy hoạch ngành, lĩnh vực; kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới; chính sách ưu đãi đầu tư. Ngay cả các văn bản pháp luật do tỉnh ban hành cũng có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin.
“Chúng ta đã chuyển mình nhưng vẫn còn nhiều bậc thang cải cách khác mà chính quyền các cấp cần nâng bước, để vươn tới những tầng cao với những ô cửa mở của tương lai”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận