Khoảng hẫng lớn tại Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Sẽ có một khoảng hẫng lớn về tính kết nối cũng như phương án tài chính tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nếu các bên liên quan không sớm hoàn thành việc tìm nguồn vốn để hoàn thành nốt đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 40 km.
Mạch hở
Nỗi lo canh cánh về Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị “cụt” giữa chừng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh Lạng Sơn) và nhà đầu tư (Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) là điều có thể dễ dàng nhận thấy ngay trong buổi lễ thông xe đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng được tổ chức rất trang trọng cuối tuần trước.
Không rõ nhà đầu tư có dụng ý gì, khi sát địa điểm tổ chức lễ thông xe ở đầu tuyến, một tấm biển rất lớn được dựng lên với nội dung: “Hết đường cao tốc - Đường Cụt - cách TP. Lạng Sơn 30 km”.
Mặc dù được đầu tư rất lớn, nhưng tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km bao gồm 2 dự án là Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang - Lạng Sơn (kết thúc tại huyện Chi Lăng) dài 64 km đều với quy mô 4 làn xe dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn là một “mạch hở” khi đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa thể xác định thời điểm khởi công.
Việc kết thúc “chơi vơi” cách TP. Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 45 km, khiến cung đường còn lại lên 2 đầu mối giao thông quan trọng cuối tuyến vẫn phải đi mượn tuyến Quốc lộ 1 hai làn xe được cải tạo từ cách đây 20 năm và đã mãn tải từ lâu.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư chính tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, việc điểm đầu tuyến Dự án (Km45+100) còn cách TP. Lạng Sơn tới 30 km cần sớm được khắc phục để mở cánh cửa cung đường tương lai vùng Đông Bắc, mở ra cơ hội đầu tư tiếp nối con đường Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tăng tính hiệu quả đầu tư do được tối ưu hóa để tiết giảm tổng mức đầu tư bằng giải pháp phân kỳ đầu tư. Tuy nhiên, Dự án này vẫn chưa thể triển khai tiếp do chưa xác định được nguồn vốn tham gia từ các bên liên quan đã ảnh hưởng đến cơ sở để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng.
“Nguy cơ đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng không thể hoàn thành vào năm 2020, qua đó kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng đang là nỗi lo lớn của chúng tôi”, ông Hoàng cho biết.
Hụt dòng tiền
Được biết, ngay sát thời điểm Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được thông xe ít ngày, cả UBND tỉnh Lạng Sơn và Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã liên tiếp gửi công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong quá trình triển khai đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị. Theo chủ trương đầu tư ban đầu, đoạn tuyến này được sử dụng nguồn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam là nhà đầu tư, với mục tiêu là hoàn thành vào năm 2020 để kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Song, do việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn và sẽ làm gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (vào tháng 2/2018) và đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Lạng Sơn vào tháng 5/2018.
Giữa tháng 10/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và đã triển khai ký phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư.
Như vậy, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 - đoạn cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) dài 64 km, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 dài 105 km, được xây dựng theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - đoạn cao tốc Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị dài 43 km, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 8.743 tỷ đồng, sau khi rà soát giảm xuống còn 5.675 tỷ đồng.
Đối với phần chi phí tiết giảm khoảng 3.000 tỷ đồng, UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư thống nhất sử dụng để đầu tư đoạn tuyến kết nối đến các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam. Sau khi được điều chỉnh, Dự án đảm bảo nguyên tắc không làm tăng tổng mức đầu tư và bổ sung thêm 19,06 km đường cao tốc để kết nối với các cửa khẩu trọng điểm Tân Thanh, Cốc Nam, có ý đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá, đồng thời làm nền tảng cho việc kết nối tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Căng thẳng vốn hỗ trợ
Theo ông Vũ Huy Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị (doanh nghiệp dự án triển khai đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng), tại phương án tài chính ban đầu, ngoài việc thu phí trên chính tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhà đầu tư còn được thu phí tại 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1, đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn. Để phục vụ vấn đề an sinh xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã thống nhất phương án giảm đi 1 trạm thu phí.
Cùng với đó, số lượng người dân địa phương được miễn phí khi đi qua trạm cũng nhiều gấp 10 lần phương án ban đầu (có đến 5.000 xe được miễn giảm, trong khi phương án tài chính chỉ có 500 xe).
Sự điều chỉnh và phát sinh đó đã khiến cho cả hai dự án thành phần cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chỉ còn nguồn thu bổ sung duy nhất từ một trạm thu phí (Km 93+160 trên Quốc lộ 1), dẫn tới dòng tiền thu phí hoàn vốn bị hụt sâu, đe dọa nghiêm trọng phương án tài chính.
Khó khăn tiếp tục với Dự án khi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết là không thể thu xếp vốn cho đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng do hạn mức tín dụng cấp cho các công trình BOT bị hạn chế và đang phải dồn lực cho Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Để gỡ khó cho Dự án, vào tháng 7/2019, Thủ tướng đã giao Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng ra thu xếp vốn xây dựng đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Điều đáng nói là sau khi chạy lại phương án tài chính, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cho biết, dự án thành phần 2 chỉ có thể được triển khai theo cơ cấu vốn như sau: 1.740 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu nhà đầu tư; vốn nhà nước tham gia 3.160 tỷ đồng và vốn tín dụng 3.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, hiện BIDV mới chỉ thống nhất tài trợ 2.000 tỷ đồng và UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương tối đa khoảng 1.000 tỷ đồng. Tính tổng cộng, hiện Dự án này vẫn còn thiếu 1.400 tỷ đồng vốn tín dụng và 2.160 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận