Khổ như nhà đầu tư vô tình dính vụ án hình sự
Dù đã đòi được tiền gốc nhưng lãi theo cam kết gần 3 năm của người dân mua trái phiếu Tân Hoàng Minh đến nay không được nhắc đến. Trong khi đó, hàng trăm nhà đầu tư trái phiếu liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát mòn mỏi chờ được giải quyết số tiền mình đã đầu tư.
Mất ăn, mất ngủ vì trái phiếu
Đến thời điểm hiện tại, hơn 6.600 nhà đầu tư trái phiếu nhận lại tiền gốc đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh. Thế nhưng, trong suốt gần 3 năm qua, nhiều nhà đầu tư khổ sở, lục đục...
Anh Minh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) - một nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh - chia sẻ: “Tôi mua 4 tỷ đồng tiền trái phiếu với các kỳ hạn khác nhau. Tôi mua 2 đợt với 1 hợp đồng kỳ hạn 1 năm, lấy lãi kỳ hạn 3 tháng được 8,8%/năm. Một hợp đồng chưa kịp nhận được đồng lãi nào thì lãnh đạo tập đoàn bị bắt. Nếu chỉ trả gốc thì đó vẫn là tiền của chúng tôi, những tổn thất gần 3 năm qua chưa được tính đến, chỉ khi Tân Hoàng Minh chi trả tổn thất đó thì mới gọi là khắc phục hậu quả".
Anh Đức cho biết, sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, gia đình lại thêm khó khăn vì trái phiếu. "Nhiều lần, vợ chồng to tiếng với nhau vì đem tiền đi đầu tư nhưng không đem tiền về và nghi ngờ chồng cờ bạc. Không biết bao nhiêu ngày tháng tôi làm đơn kêu cứu khắp nơi, xuống đường căng băng rôn đòi quyền lợi mà mãi mới lấy lại được tiền gốc", anh Đức nói.
Chị Thu An (Thanh Xuân, Hà Nội) - nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh - cho hay: “Tôi chỉ có vài trăm triệu đồng để đầu tư trái phiếu mã NSVCH2125001. Đó là tiền tích cóp cả đời của tôi. Tôi chưa nhận được đồng lãi nào thì xảy ra vụ án. Nếu tính lãi, số tiền của tôi lãi được mấy chục triệu đồng, với bản thân tôi là số tiền lớn. Những thiệt hại tinh thần suốt gần 3 năm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường nhưng hiện tôi chỉ nhận được tiền gốc và không được nhận tiền lãi cũng như chi phí trượt giá trong khoảng thời gian qua".
Chị Dương Phương Vinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nhà đầu tư trái phiếu An Đông mã ADC - 2018.09 - cho hay: “Tôi mua 2 tỷ đồng tiền trái phiếu An Đông và ký hợp đồng qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt. Tôi mua từ tháng 2/2022 và mới nhận lãi 1 lần với lãi suất hơn 8%/năm rồi vụ án xảy ra”.
Hợp đồng của chị Dương Phương Vinh ký mua trái phiếu An Đông (ảnh: N.M).
Theo chị Vinh, từ lúc vụ án xảy ra, mỗi năm chị nhận được 2 lần thông báo từ Công ty Chứng khoán Tân Việt về tiến độ vụ án. Gần đây nhất, công ty này gửi thông báo liên quan đến tra cứu quyền lợi và bồi thường. Ngày 17/10/2024 khi chị tra cứu thì thấy thông báo được bồi thường hơn 1,9 tỷ đồng tiền gốc. Nhưng điều đáng nói số tiền gốc này giảm gần 64 triệu đồng so với số tiền chị ký trong hợp đồng. Tiền gốc chị mua 104.489 đồng/trái phiếu nhưng nay theo quyết định, chị chỉ được tính 100.000/trái phiếu.
“Rõ ràng đây là số tiền gốc tôi mua còn bị giảm trong khi tiền lãi không được tính đến. Nếu nói bồi thường phải bồi thường cả tiền lãi và tinh thần cho những người ngày đêm mất ăn mất ngủ vì trái phiếu chứ đây không phải là bồi thường”, chị Vinh nói.
Ngoài ra, chị Vinh cho biết chị còn 2,3 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Vạn Trường Phát cũng ký qua Công ty Chứng khoán Tân Việt từ đầu năm 2022. Đây không phải là lô trái phiếu phạm pháp theo cơ quan điều tra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chị không hề nhận được 1 thông tin nào liên quan đến tiến độ hoàn trả nhà đầu tư.
Vạn Trường Phát thành lập tháng 6/2019, tiền thân là Công ty cổ phần Star Zone. Hơn 2 năm sau thành lập, năm 2021, Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, mỗi đợt 2.000 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng một khu đất hơn 177 ha thuộc Dự án Khu đô thị Việt Phát do Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư. Đại lý đăng ký lưu ký và đại lý thanh toán, đồng thời đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty Chứng khoán Tân Việt.
Tới kỳ hạn trả lãi, nhưng từ tháng 10/2022 tới cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán Tân Việt liên tục gửi thông báo yêu cầu thanh toán cho trái chủ, mua lại trái phiếu hoặc phối hợp xử lý tài sản đảm bảo, nhưng Vạn Trường Phát không hề có bất kỳ hồi đáp nào.
Gỡ khó cách nào?
Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating nhận xét, các doanh nghiệp nhóm bất động sản đang có khả năng trả nợ ở mức thấp, thể hiện ở tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.
Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả; 90% trong số đó từng chậm trả lãi trái phiếu ít nhất một lần và doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy cao, nguồn tiền mặt thấp.
Vấn đề đặt ra hiện nay là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 cho phép các doanh nghiệp giãn, hoãn nợ 2 năm, đến năm 2025 nhiều lô trái phiếu sẽ hết thời gian được giãn, hoãn. Vậy hướng xử lý tiếp theo là gì nếu tổ chức phát hành vẫn không thu xếp được dòng tiền có tiền trả nợ trong khi các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể hồi phục lại “sức khỏe”?
Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV - cảnh báo: “Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và quá hạn thanh toán vẫn ở mức cao. Rủi ro lan truyền giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bất động sản luôn tiềm ẩn, gây ra những nguy cơ lớn cho sự ổn định tài chính của thị trường”.
Bàn về giải pháp gỡ khó trái phiếu, chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Huy cho biết, để thúc đẩy việc xử lý nợ xấu trái phiếu, việc gỡ ách tắc pháp lý cho các dự án bất động sản đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Một mặt, các ngân hàng có thể rót vốn giải ngân để dự án được triển khai, có sản phẩm bán ra thị trường thu tiền về; mặt khác, tổ chức phát hành có thể đưa ra các phương án hoán đổi trái phiếu sang bất động sản.
Ngoài ra, cũng cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng. Các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận