24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hải Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khai thông tắc nghẽn thị trường chứng khoán bằng cơ chế

Gần đây đã xảy ra tình trạng nghẽn lệnh trên TTCK do khối lượng giao dịch vượt quá năng lực thiết kế của hệ thống. Nguyên nhân chính là trong những năm trước giá trị giao dịch tại HOSE khoảng 4000- 5000 tỷ đồng/phiên, cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đã tăng lên gấp 4-5 lần.

HOSE đã chủ động báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) họp với các Công ty Chứng khoán (CTCK) để rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía CTCK, hạn chế giao dịch tự động, hạn chế số lệnh đặt, sửa, hủy... để tối ưu hóa lượng lệnh vào thị trường; từ đầu năm đã nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 CP, giảm tải được một phần lệnh, tăng 15- 18% thanh khoản.

Tuy vậy, vẫn không xử lý được tận gốc, nên HOSE đã tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Singapore đề xuất tăng lô lên 1.000 CP, cấm hủy/sửa lệnh; nhưng không nhận được sự đồng tình của nhiều nhà đầu tư vì vô hình chung đẩy nhà đầu tư nhỏ ra khỏi cuộc chơi.

Thực tế thì HOSE chỉ có nhiệm vụ đề xuất giải pháp khắc phục điểm nghẽn TTCK với UBCKNN. Cơ quan này cũng không có chức năng và quyền hạn để đưa ra quyết định, nên phải báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bộ này cũng không có quyền ra lệnh xử lý, mà phải báo cáo Thủ tướng.

Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của một số bộ có liên quan để trình Thủ tướng ra quyết định, trong khi giao dịch trên TTCK diễn ra từng giờ với biến động nhanh chóng thì tình trạng nghẽn lệnh kéo dài gây tác động tiêu cực đối với “Hàn thử biểu” của nền kinh tế nước ta.

Mọi giải pháp đều liên quan đến công nghệ, đòi hỏi độ tin cậy, tính an toàn về hệ thống công nghệ thông tin sử dụng trên TTCK; do đó cần có thời gian lựa chọn giải pháp tối ưu để đầu tư hệ thống công nghệ mới.

Theo tôi, ở đây có hai vấn đề cần được lưu ý. Thứ nhất là năng lực phản ứng chính sách của cơ quan quản lý nhà nước từng lĩnh vực, ngành kinh tế. Cũng là tình trạng phổ biến của nước ta, nhiều bộ, ngành và cơ quan chuyên môn ở địa phương phản ứng rất chậm với các hiện tượng, sự kiện mới.

Đơn cử, trong khi dịch Covid 19 tại Thái Lan nghiêm trọng hơn nước ta, nhưng khi bắt đầu xuất hiện nhân tố mới đã bắt tay vào nghiên cứu để tranh thủ cơ hội, như chủ động thực hiện Visa Vacsin với một số nước để khôi phục du lịch quốc tế, thì gần đây nước ta mới tính đến, nhưng chưa biết bao giờ áp dụng.

Câu chuyện nghẽn lệnh trên TTCK đã xảy ra từ quý IV/2020, đến cuối quý I/2021 vẫn không có phản ứng chính sách, cũng khó dự báo lúc nào thì tình trạng được khắc phục.

Thứ hai là cơ chế phân quyền để tránh tình trạng tập trung quan liêu của bộ máy nhà nước. Tình trạng nghẽn lệnh đã diễn ra nhiều tháng nhưng không có ai chịu trách nhiệm, vì UBCKNN là cơ quan trực tiếp quản lý TTCK không có chức năng và nhiệm vụ đề ra giải pháp ứng cứu kịp thời; khi phát hiện nghẽn lệnh thì báo cáo lên Bộ trưởng tài chính và ngồi chờ lệnh của cấp trên.

Cuối cùng rất nhiều việc đẩy lên cấp cao nhất trong hệ thống hành chính là Thủ tướng. Quy trình xử lý thông tin quá phức tạp, hội họp nhiều nhưng ít đề ra được giải pháp hữu hiệu là nhược diểm cần được khắc phục bằng cơ chế phân quyền cho cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý - trong trường hợp này là UBCNNN có đủ thông tin, đủ thẩm quyền để ra quyết định kịp thời, giải quyết ách tắc trên TTCK.

Tâm điểm chú ý của thị trường chứng khoán đang tập trung vào công nghệ mới để xử lý nghẽn lệnh. Tại “Đối thoại 2045”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc trên HOSE.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet đánh giá: “Các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước chỉ cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỉ đồng có thể giải quyết tình trạng nghẽn lệnh của HOSE”.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết “FPT sẵn sàng phối hợp với các đơn vị trong nước để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh cho hệ thống giao dịch chứng khoán của HOSE. Nếu được tạo điều kiện, với sự hỗ trợ, sự hợp tác của các công ty chứng khoán, các bên liên quan và trong bối cảnh thuận lợi nhất, chúng tôi có thể cùng HOSE hoàn thành trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ khi chính thức bắt tay vào triển khai”.

Ông Dương Dũng Triều kiến nghị xử lý bằng 2 cách: 1) Rà soát phần mềm hiện tại để xử lý kỹ thuật; 2):Triển khai hệ thống thay thế tạm thời cho đến khi Hệ thống của KRX vận hành chính thức.

Qua nghiên cứu bước đầu và dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, cũng như năng lực hiện có của FPT, ông nghiêng về cách thứ 2. Phương án này sẽ đáp ứng tốt hơn về tính chủ động trong công nghệ, sự an toàn cho hệ thống hiện tại vẫn đang giao dịch hàng ngày, cũng như các quy định về pháp lý.

Ông tin rằng, với xu thế phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, các công ty phần mềm trong nước có thể đảm nhận việc cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường tài chính Việt Nam.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch BKAV cũng khẳng định: BKAV hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế công nghệ xử lý nghẽn lệnh trên HOSE. Ông không muốn cạnh tranh với FPT, bởi vì ông tin chắc FPT đủ sức giải quyết tình trạng đó, mà chỉ muốn bày tỏ niềm tin vào trình độ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam để Chính phủ tin tưởng giao cho họ xử lý các vấn đề quản lý nhà nước nảy sinh có liên quan đến đầu tư vào công nghệ như nghẽn lệnh tại HOSE.

Lòng tin vào trình độ công nghệ của lãnh đạo một số doanh nghiệp, quyết tâm của các công ty công nghệ thông tin tự chủ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quản lý nhà nước thật đáng trân trọng, tạo thành động lực phát triển củaquá trình chuyển đổi kinh tế số của đất nước. Tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE là câu chuyện thời sự của TTCK trong quá trình tăng trưởng nhanh.

Việc giải quyết sự việc có liên quan đến hàng loạt vấn đề, từ tư duy phát triển tăng cường năng lực phản ứng chính sách của cơ quan nhà nước, đến cơ chế phân quyền theo nguyên tắc nơi nào có đủ thông tin, đủ năng lực thì được giao quyền trực tiếp xử lý để không đùn đẩy lên cấp trên. Cũng cần cập nhật thông tin để đánh giá đúng năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam để tin tưởng giao cho họ nhiệm vụ giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả