Khách sạn Đà Nẵng ‘cửa đóng then cài’ dù được phép hoạt động trở lại
Dù được phép đón khách trở lại nhưng hầu hết các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng vẫn chưa sẵn sàng mở cửa đón khách. Các đơn vị lưu trú vẫn đang theo dõi tình hình dịch bệnh, việc mở lại đường bay đến Đà Nẵng... để kinh doanh có hiệu quả nhất.
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, từ 0h ngày 30/9, các khách sạn, cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng được mở cửa đón khách nhưng không quá 30% tổng số phòng hiện có. Trường hợp 100% khách hàng được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng thì cho phép lưu trú không quá 50%.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến đường tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP. Đà Nẵng như: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Hồ Nghinh, Hà Bổng, Dương Đình Nghệ..., nhiều khách sạn vẫn đóng cửa. Có một số khách sạn nhỏ mở cửa đón khách nhưng chủ yếu để cho nhân viên dọn dẹp, chuẩn bị mở cửa trở lại sau thời gian dài nghỉ vì dịch, lượng khách đến thuê hầu như là không có. Còn đối với các khách sạn lớn ven biển thì vẫn 'cửa đóng then cài'.
Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, đại diện tập đoàn FVG (đơn vị đang sở hữu 6 khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng và Quảng Nam) cho biết, dù được phép hoạt động trở lại nhưng đơn vị vẫn chưa mở cửa các khách sạn để đón khách, hiện có 2/6 khách sạn thuộc sở hữu của tập đoàn đang làm khu cách ly.
“Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, khách sạn cứ hoạt động chập chờn nên các bộ phận như sale, marketing không thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Cùng với đó, việc đi lại giữa các tỉnh với nhau rất khó khăn, nên các dòng khách sạn 4 sao rất khó đón được khách”, đại diện tập đoàn FVG cho biết.
Tương tự, đại diện một khách sạn khác trên đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đã cho phép cơ sở lưu trú mở cửa trở lại nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, không có khách trong thời gian này nên khách sạn vẫn chưa hoạt động trở lại. Khách sạn đang xây dựng kế hoạch, lộ trình từng bước mở cửa; đồng thời chuẩn bị nhân sự, kế hoạch bán hàng, tìm kiếm khách hàng nên dự kiến khoảng cuối tháng 10 mới đón khách trở lại.
Có thể nói, nỗi lo lắng lớn nhất của ngành du lịch nói chung và ngành lưu trú nói riêng đó chính là nguồn khách. Do đó, hầu hết chủ các chủ lưu trú rất thận trọng xem xét việc đi lại giữa các địa phương, mở lại các đường bay đến Đà Nẵng bao giờ được phép hoạt động, từ đó cân nhắc quyết định tiếp tục vận hành đón khách trở lại hay không.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc khu vực, kiêm Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho hay, hệ thống Khách sạn đã chuẩn bị xong các bước chuẩn bị, sẵn sàng đón du khách quay trở lại. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự đồng bộ trong cả nước, nếu du khách đến Đà Nẵng hoặc trở về từ Đà Nẵng mà các địa phương thực hiện việc cách ly y tế thì sẽ rất khó, tương tự như vậy ở các địa phương khác.
“Việc mở tour du lịch trong địa bàn thành phố cho khách địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, sở dĩ người dân địa phương không có nhu cầu ở khách sạn. Chính vì thế phải sự đồng bộ từ các địa phương trong cả nước. Ví dụ: nếu Chính phủ cho phép được đón khách nội địa là người tiêm 2 mũi vaccine, những F0 đã khỏi bệnh…thì sẽ có cơ hội đón khách đi du lịch sẽ cao hơn. Tuy nhiên phải kiểm soát chặt chẽ phòng dịch”, ông Duẩn phân tích.
Theo ông Duẩn, thực tế từ tháng 3/2020 đến nay, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng hầu như 'cửa đóng then cài' vì không có khách. Vì vậy, TP. Đà Nẵng cần tính đến việc đón công dân ở nước ngoài về có thực hiện cách ly y tế, từ đó thì các khách sạn hoạt động trở lại mang lại thu nhập cho nhân viên.
Đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp lưu trú
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khu Du lịch Bắc Mỹ An - Furama Đà Nẵng cho biết, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ tại Đà Nẵng đóng cửa từ 4 tháng cho đến gần 2 năm nay, thiệt hại vô cùng lớn, kiệt quệ. Các doanh nghiệp lưu trú hầu như dùng tiền vay ngân hàng để duy tu bảo dưỡng hàng ngày và trả lương nhân viên. Có thể nói mỗi tháng, các doanh nghiệp lưu trú phải đối mặt với khoản tổng lỗ chung đến hàng trăm tỷ đồng.
“Du lịch sẽ hối phục sau cùng, người ta phải ăn no, có khoản tiết kiệm nhất định rồi mới đi du lịch nên các chuyên gia nói phải cuối 2024 mới trở lại được như năm 2019. Quay trở lại vận hành một điều chúng tôi lo lắng đó là chi phí, khi mà các chi phí như điện nước, tiền thuê đất, lương nhân viên đều ở mức năm 2019, nhưng giá phòng chỉ ở mức năm 1999. Như vậy có thể dẫn tới việc càng kinh doanh càng lỗ”, ông Quỳnh nói.
Theo ông Quỳnh, bên cạnh các chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn cũng như cung cấp các khoản vay mới, miễn giảm các loại thuế, phí, tiền thuê đất, tiền điện nước, các loại phí khác thì TP. Đà Nẵng cần hỗ trợ phí đào tạo cho cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp lưu trú; hỗ trợ những nhân viên ngoại tỉnh quay lại Đà Nẵng làm việc; tài trợ các chương trình chuyển đổi số của các khách sạn…
Ông Hoàng Trọng Nhật Hòa, Giám đốc hành chính Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Silver Shores cho biết, tình hình dịch bệnh đã bước vào giai đoạn tương đối ổn định, được kiểm soát và thành phố cũng đã triển khai tiêm vaccine cho người dân.
"Chúng tôi mong muốn thành phố xem xét đưa chỉ đạo chuyên môn cấp thiết, có những hướng giải quyết dành riêng cho những doanh nghiệp có năng lực và quy mô nhất định để doanh nghiệp tự thực hiện kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh. Từ đó, có thể hoạt động trở lại, cho phép doanh nghiệp tiếp đón những vị khách đã tiêm vaccine đến sử dụng các dịch vụ thay vì tạm dừng hoạt động", ông Hoà đề xuất.
Trước đó, Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay, Sở Du lịch đang xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch trên toàn địa bàn TP. Đà Nẵng cho giai đoạn 2021-2022, trên cơ sở tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như kiểm soát dịch bệnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là theo dõi một số mô hình thí điểm đón khách quốc tế của một số quốc gia. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ xây dựng phương án riêng để đón khách nội địa và quốc tế.
Theo bà Hạnh, dự kiến, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ có lộ trình mở cửa đón khách cụ thể như sau: Vào tháng 12/2021, nếu Đà Nẵng hoàn thành 2 mũi vaccine cho 80% người trên 18 tuổi trở lên thì sẽ thực hiện mở cửa các dịch vụ phục vụ cho người dân thành phố đi du lịch trong thành phố.
Cùng với đó, các cơ sở dịch vụ du lịch phải đảm ứng một số điều kiện cơ bản liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 như cơ sở vật chất, phương tiện, người lao động. Trong đó, người lao động phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine, hay khách cũng phải tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đang làm việc với một số địa phương để thống nhất "thẻ xanh" cho du khách, từ đó khách có thể đến và tham quan tại Đà Nẵng.
Từ tháng 1/2022, Đà Nẵng sẽ mở cửa phục vụ khách nội địa bao gồm tất cả các dịch vụ phục vụ khách đi lẻ và sẽ có một số dịch vụ tour, combo du lịch phục vụ cho nhóm nhỏ.
Quý 2/2022, Đà Nẵng bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế nếu chính phủ cho phép và mô hình ở Phú Quốc thành công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận